07 décembre 2017

CÚ SỐC BOT


TS. Nguyễn Sĩ Dũng






Con đường về quê của tôi bao năm phải đi qua một trạm thu phí BOT “đặt nhầm chỗ”.

Đó là Trạm Tào Xuyên, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Trong gần chục năm qua, mỗi lần từ Hà Nội về Vinh, tôi đều phải qua trạm thu phí dự án BOT này. Số tiền phí mỗi lượt khoảng 30.000 đồng. Tôi không biết mình đã phải nộp bao nhiêu trong mấy năm qua.



Trạm thu phí Tào Xuyên được dựng trên Quốc lộ số 1, thu phí cho đường tránh thành phố Thanh Hóa. Nó không những đứng cách đường tránh khá xa, mà còn được bắt đầu thu phí trước khi đường tránh được đưa vào sử dụng.

Cách thu này không chỉ đã bắt tất cả những người không đi trên đường tránh phải trả phí, mà còn biến tất cả mọi người đi phương tiện cơ giới qua đây trở thành là những nhà đầu tư, bị bắt góp vốn khi dự án chưa thành hình, mà không được trả bất kỳ một xu cổ tức nào.

Chính Bộ GTVT cũng thừa nhận trạm Tào Xuyên là một trong những trạm thu phí đặt “nhầm chỗ”, đặt trạm trên tuyến này để thu hộ phí cho tuyến khác. Đây quả thực là cách làm hết sức không minh bạch.

Tới tận ngày 10/8 vừa qua, Tổng cục Đường bộ mới yêu cầu dừng thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm Tào Xuyên vì “Số thu tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư đến hết 31/7/2017 đã lớn hơn số cao nhất so với các phương án đàm phán mức lợi nhuận của nhà đầu tư”. Thời gian thu phí dự kiến hơn 20 năm, mới thu 7 năm đã có lãi.

Mỗi lần nghĩ đến con đường về quê, tôi hiểu “cảm xúc công lý” bất bình của những người phải đóng tiền qua trạm thu phí Cai Lậy những ngày qua.

Nhưng tôi cũng hiểu rằng quyết định của Thủ tướng - về việc tạm dừng thu phí một tháng để xem xét - cho thấy xử lý vấn đề BOT Cai Lậy, trong đó có việc di dời trạm thu phí vào đường tránh, là không hề đơn giản.

Thứ nhất, hợp đồng BOT là hợp đồng ký giữa Nhà nước (do Bộ Giao thông Vận tải đại diện) và các nhà đầu tư. Đã đành là thực tế cho thấy hợp đồng này đang có nhiều điểm cần phải xem xét lại. Thế nhưng, đây là văn bản pháp lý ràng buộc cả hai bên. Khi đã đặt bút ký vào hợp đồng, thì Nhà nước không thể tự mình phá vỡ hợp đồng, không thể muốn làm gì thì làm.

Muốn sửa đổi hợp đồng thì nhà nước phải thương lượng với chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư không đồng ý có thể sẽ phải đưa tranh chấp ra trước tòa án giải quyết. Tất cả những điều này đều rất mất thời gian, nhưng lại là những đòi hỏi bắt buộc của một nhà nước pháp quyền.

Thứ hai, việc di dời trạm thu phí BOT Cai Lậy sẽ tạo ra tiền lệ. Với tiền lệ này, có thể, không ít trạm thu phí khác cũng sẽ phải di dời. Mà như vậy thì nguồn thu và khả năng trả nợ ngân hàng của các chủ đầu tư lập tức bị ảnh hưởng. Thực tế, tiền đầu tư vào các dự án BOT chủ yếu vẫn là tiền vay của các ngân hàng. Với tình hình xử lý nợ xấu khó khăn như hiện nay, cú sốc BOT này chưa biết sẽ ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến khả năng ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.

Thứ ba, BOT là một hình thứ huy động vốn mới để đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông. Khi triển khai các dự án BOT, các quan chức nhiều khi chỉ mới có được sự nhiệt tình và ý chí chính trị, chứ chưa phải là một khuôn khổ pháp lý đầy đủ.

Chính sách mới có thể làm khó cho chính sách cũ. Trước khi chính sách thu phí bảo trì đường bộ được ban hành, việc đặt các trạm thu phí để thu phí khi đường được nâng cấp, sửa chữa bằng vốn ODA được tất cả mọi người chấp nhận. ODA không phải là tiền cho không, nên chắc chắn phải có nguồn thu để trả nợ. Và điều này ai cũng hiểu.

Thế nhưng khi người dân đã phải đóng phí bảo trì đường bộ, thì theo quy định, tiền cho việc sửa chữa đường quốc lộ 1 phải được lấy từ Quỹ bảo trì đường bộ. Việc dùng tiền phí thu được ở trạm BOT kia để nâng cấp, sửa chữa đường số 1 không có lý do gì để xảy ra và thậm chí không hợp pháp.

Rộng ra ngoài bức tranh Cai Lậy, thu hút vốn đầu tư BOT cũng giống như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, không ưu tiên, ưu đãi khó thu hút vốn. Nhưng ưu tiên, ưu đãi sẽ đẻ ra không ít vấn đề. Ưu tiên, ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài đã tạo ra không ít những bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp trong nước. Ưu tiên, ưu đãi cho các nhà đầu tư BOT cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của các công ty vận tải và người dân tham gia giao thông. Sửa đổi các ưu tiên, ưu đãi đã dành cho các nhà đầu tư nước ngoài có dễ không? Quả thực không dễ. Vậy thì sửa đổi các ưu tiên, ưu đãi cho các nhà đầu tư BOT cũng vậy.

Cuối cùng, những lập luận nói trên chỉ là để lý giải cho sự khó khăn của các cơ quan chức năng để sửa sai, chứ không phải là để biện hộ cho những cái sai đã sờ sờ ra đó. Có biện hộ thế nào thì thu phí BOT đối với những người không đi trên đường BOT vẫn là sai. Có biện hộ thế nào thì thu phí BOT đối với những người đi trên đường số 1 khi họ đã đóng phí bảo trì đường bộ là không đúng.

Để có thể gỡ mớ bòng bong BOT bây giờ, ngoài việc chắc chắn mất thời gian ra, sẽ cần rất nhiều sự can đảm của các nhà chức năng.


TS. Nguyễn Sĩ Dũng