06 novembre 2017

LÀ BẠN CỦA NHAU...


Mạc Văn Trang: " LÀ BẠN CỦA NHAU mà cứ bảo thủ, gàn bướng, một mình nghĩ một kiểu, hành xử một cách, chỉ biết phải một mình; ai giảng giải điều hay, lẽ phải cũng không nghe; ai chia sẻ những giá trị chung cũng gật gù, nhưng về lại làm ngược lại; khi người ta bực lên góp ý, phê bình thẳng thắn thì quy ngay cho là “can thiệp”, “phá hoại”, “phản động”... Như vậy, chẳng khác gì bảo, tao chỉ có thế thôi, tao đếch cần nghe thằng nào; tao cứ thế đấy, thằng nào chơi thì chơi! "


Các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn luôn tuyên bố: VIỆT NAM MONG MUỐN LÀ NGƯỜI BẠN TIN CẬY CỦA TẤT CẢ CÁC NƯỚC VÀ NHÂN DÂN THẾ GIỚI... Quan điểm, nguyện vọng đó hết sức đúng đắn, dễ thương. Nó hoàn toàn phù hợp với kết quả nghiên cứu của nhà Tâm lý học Nhân văn A. Maslow về hệ thống thứ bậc nhu cầu có tính nhân loại phổ biến. Bởi vì LÀ BẠN CỦA NHAU thì phải luôn quan tâm, đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng của nhau, đó là:
- Ai cũng cũng mong muốn được ăn no, mặc ấm, dùng nước sạch, thở hít khí trời trong lành...
- Ai cũng mong muốn được yên bình, để làm ăn, sinh sống, gìn giữ di sản của tổ tiên, phát triển gia đình, quê hương, đất nước... Ai cũng sợ cướp bóc, giặc giã, khủng bố, thiên tại, dịch bệnh, chiến tranh chết chóc...
- Ai cũng mong muốn được yêu thương, quan hệ thân thiện với nhau; chia sẻ với nhau những suy nghĩ, tình cảm, quan điểm, niềm tin; trao đổi với nhau những giá trị văn hóa tinh thần giàu ý nghĩa, những giá trị vật chất tốt đẹp; giúp đỡ lẫn nhau vượt qua hoạn nạn, khó khăn để cùng phát triển, đem lại hạnh phúc...
- Ai cũng muốn được tôn trọng: Tôn trọng về nhân quyền, nhân cách, tự do phát triển... Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2/9/1945 có đoạn:
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" (Trích bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hoa kỳ). Được tôn trọng theo các quyền được ghi nhận trong các Công ước quốc tế và Hiến pháp, pháp luật của mỗi quốc gia là nhu cầu – đòi hỏi tất yếu “không ai có thể xâm phạm được”...-

- Ai cũng mong muốn được tự do thể hiện: Tự do bầy tỏ quan điểm, cá tính sáng tạo, năng lực lao động để mưu cầu hạnh phúc cho mình và đóng góp cho xã hội, cho nhân loại...
Lẽ thông thường, muốn LÀ BẠN CỦA NHAU trong phạm vi cá nhân hay trên bình diện quốc gia thì đều phải tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau bảo đảm cho hệ thống nhu cầu nói trên được thỏa mãn. Hơn nữa còn phải tạo điều kiện cho nhau, trao đổi nguồn lực lẫn nhau để cùng thỏa mãn, phát triển những nhu cầu đó ngày càng cao hơn, chất lượng hơn .. Từ đó mới nảy sinh, củng cố TÌNH BẠN VỚI NHAU, vì TÌNH CẢM TÍCH CỰC nảy sinh trên cơ sở thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của nhau; còn nếu xúc phạm, ngăn cản sự thỏa mãn nhu cầu của nhau, sẽ làm nảy sinh những TÌNH CẢM TIÊU CỰC về nhau, tình bạn sẽ rạn nứt, tiêu vong, thậm chí còn chuyển thành chán ghét, thù hận... Vì vậy muốn LÀ BẠN CỦA NHAU thì phải luôn quan tâm đáp ứng những nhu cầu của nhau, cùng lắng nghe nhau, chia sẻ với nhau, tâm đắc với nhau những giá trị chung, tránh gây cho nhau sự khó chịu, bực tức, nghi ngờ, mất niềm tin.. Từ đó ta suy ra:.
- Những con người luôn cho nhau ăn thực phẩm độc hại, đe dọa sự an toàn, sống còn của nhau; không tôn trọng nhau, âm mưu hãm hại, chiếm đoạt của cải, gia tài của nhau... thì có thể là bạn của nhau được không? Đã thế lại biết rõ nhau “bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”... thì có LÀ BẠN CỦA NHAU được không?
- Ở một mức độ khác, muốn LÀ BẠN CỦA NHAU nhưng cứ muốn bạn cưu mang, giúp đỡ mình mãi; cho bao nhiêu, vay bao nhiêu về, cha con cũng tiêu pha bừa bãi, làm ăn thua lỗ, ăn chơi vung phí, nợ chồng nợ chất... thì còn ai muốn làm bạn mãi mãi với mình nữa không?
- Mặt khác LÀ BẠN CỦA NHAU mà cứ bảo thủ, gàn bướng, một mình nghĩ một kiểu, hành xử một cách, chỉ biết phải một mình; ai giảng giải điều hay, lẽ phải cũng không nghe; ai chia sẻ những giá trị chung cũng gật gù, nhưng về lại làm ngược lại; khi người ta bực lên góp ý, phê bình thẳng thắn thì quy ngay cho là “can thiệp”, “phá hoại”, “phản động”... Như vậy, chẳng khác gì bảo, tao chỉ có thế thôi, tao đếch cần nghe thằng nào; tao cứ thế đấy, thằng nào chơi thì chơi!
Ông đã vậy thì đừng mong muốn LÀ BẠN CỦA NHAU nữa. Hãy cô đơn “một mình một chợ”, “anh hùng nhất khoảnh”! Có quan hệ với nhau cũng chỉ lợi dụng lẫn nhau hay xã giao, chứ chả LÀ BẠN CỦA NHAU đâu. Đến trai – gái yêu nhau, không lấy được nhau sẽ cùng chết, vậy mà lúc sống với nhau, không quan tâm đến hệ thống nhu cầu của nhau, không đáp ứng được nhu cầu của nhau thì tình cảm cũng chết dần, có khi thành đối nghich, phải ly hôn nhau...
Mới đây có 40 trí thức ngoại quốc gửi thư đến 4 vị lãnh đạo đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam, đề nghị trả tự do cho bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga, trong đó có đọan viết: ... “ Với tư cách là những người bạn của Việt Nam, chúng tôi kêu gọi nhà chức trách xem xét lại quan điểm của họ đối với tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam và giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và sự tham gia xây dựng. Cách tiếp cận này sẽ thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của Việt Nam”.
“Chúng tôi cảm ơn sự quan tâm của Quý vị đối với vấn đề này và tin rằng Quý vị sẽ đáp ứng theo cách phản ánh sự lịch thiệp và nhân phẩm của Việt Nam”. Ngày 4 tháng 10 năm 2017
VNdoithoai@gmail.com

Tôi không biết các nhà lãnh đạo Việt Nam có lắng nghe, chia sẻ, trả lời họ lịch sự như những người bạn, hay không thấy, không nghe và ghi tên họ vào sổ đen!
03/11/2017
MVT

https://www.facebook.com/macvan.trang/posts/854295234739091