18 octobre 2017

Việt Nam có vượt qua được chu kỳ tài chính sắp đến?



Các nhà phân tích nhận định nền kinh tế Việt Nam có thể bị lung lay nếu đà tăng trưởng tín dụng nhanh chóng đạt mức 220 tỷ USD. Bởi vì quan điểm của các nhà đầu tư có khuynh hướng biến động mạnh mẽ từ những quan điểm bất lợi từ phi lý cho tới tiêu cực. Và thêm một lý do khác, nền kinh tế Việt Nam có chu kỳ bùng nổ và sụp đổ 5 năm một lần – lần lượt vào các năm 1997, 2001, 2007 và 2013.




(NQL) – Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là niềm khát khao của nhiều quốc gia Châu Á khác khi mà các nước láng giềng đang nỗ lực để đạt tốc độ tăng trưởng 7,4%. Con số này thậm chí còn vượt mặt cả Trung Quốc nhưng điều đó không có nghĩa là Chính phủ Việt Nam có thể thư thái ngủ quên trên chiến thắng.


Quả thực đây là một tín hiệu đáng mừng khi khi tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được đánh giá cao hơn cả Ấn Độ, Indonesia và Philippines.

Giá trị xuất khẩu thương mại tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái trong cả tháng 8 và tháng 9 vừa qua, trong khi hoạt động sản xuất tăng gần 13% trong 9 tháng đầu năm 2017.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là những dấu hiệu kém khả quan khác. Chẳng hạn như tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng vọt 20% so với năm trước và cam kết đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng 34% trong 9 tháng (tính đến cuối tháng 9).

Các nhà phân tích nhận định nền kinh tế Việt Nam có thể bị lung lay nếu đà tăng trưởng tín dụng nhanh chóng đạt mức 220 tỷ USD. Bởi vì quan điểm của các nhà đầu tư có khuynh hướng biến động mạnh mẽ từ những quan điểm bất lợi từ phi lý cho tới tiêu cực. Và thêm một lý do khác, nền kinh tế Việt Nam có chu kỳ bùng nổ và sụp đổ 5 năm một lần – lần lượt vào các năm 1997, 2001, 2007 và 2013.

Do đó, câu hỏi được đặt ra lúc này chính là liệu mọi thứ sẽ khác đi trong thời điểm này hay là các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho một chu kỳ sắp tới.

Thực tế, có một dấu hiệu đáng lo ngại khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng để tăng cường hoạt động kinh doanh hồi tháng 8. Trước đó 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã gây sốc với việc cắt giảm lãi suất chính thức lần đầu tiên trong vòng 3 năm. Việc cắt giảm tỷ lệ phần trăm tái cấp vốn xuống còn 6,25% và tỷ lệ chiết khấu xuống còn 4,25% chính là những rủi ro tín dụng đối với một quốc gia có tình trạng nợ công cao như Việt Nam. Lạm phát theo đó cũng có thể tăng lên. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,4% trong tháng 9 từ mức 2,52% hồi tháng 8.

Gareth Leather của Capital Economic cho biết: “Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tín dụng và quy mô không bền vững nếu xét trong thời gian dài. Những rủi ro ngày một nhiều và chúng tôi đang ngày càng quan tâm đến sự gia tăng của khoản nợ công.”

Theo nhiều chuyên gia tài chính, một số cải cách cơ cấu có thể giúp Chính phủ Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ví dụ, Việt Nam nên dừng tập trung vào việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phát triển các nhà máy và tăng cường các tổ chức tài chính. Điều đó sẽ giúp các nhà đầu tư đặt niềm tin vào sự tự do hóa tài khoản vốn, tăng tính minh bạch, đưa nhà nước ra khỏi khu vực tư nhân, làm cho ngành công nghiệp có tính cạnh tranh hơn, các công ty thân thiện hơn với cổ đông và hạn chế hệ thống ngân hàng trong bóng tối. Những cải cách cơ cấu triệt để là cần thiết để sử dụng hiệu quả nguồn vốn vào và làm chậm lại sự dao động đối với những rủi ro tiềm ẩn. Tuy nhiên, xu hướng ở Việt Nam dường như đang đi ngược lại.

Những cắt giảm lãi suất gần đây đã kéo theo hệ quả suy giảm nền kinh tế, bao gồm cả việc phát triển thị trường vốn. Các công ty Việt Nam phần nhiều vẫn dựa vào các khoản vay ngân hàng. Chính sách tiền tệ “mở” sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và cá nhân dễ dàng hơn trong việc vay mượn, làm trầm trọng thêm rủi ro “nợ xấu”.

Việt Nam cũng đã thực hiện một số biện pháp nhằm đại tu ngành ngân hàng. Trong năm 2013, Ngân hàng Trung ương đã thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam nhằm hạn chế rủi ro các khoản nợ xấu trong bảng cân đối tài chính của Ngân hàng. Vào thời điểm đó, 17% các khoản cho vay được phân loại là không khả quan. Hiện nay, tuy tỷ lệ chính thức giảm còn khoảng 3% nhưng Moody’s Investors Service vẫn cảnh báo, có rất ít khả năng ngăn tình trạng tín dụng ngày càng xấu đi. Ví dụ như hồi tháng 5, Moody cho biết các ngân hàng của Việt Nam “sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn trong vòng 12-18 tháng tới, và tình trạng này sẽ tiếp tục là gánh nặng tín dụng chính cho ngành này.”

Nhà kinh tế học tại Ngân hàng Thế giới, Jennifer Isern cho rằng: “Quản lý rủi ro nợ xấu ở Việt Nam thành công là điều thiết yếu trong khi vẫn phải thận trọng với dòng chảy nợ xấu. Chìa khóa ở đây là phải tăng cường các hoạt động cho vay và giám sát khu vực tài chính để ngăn ngừa sự tích tụ tỷ lệ nợ xấu.”

Theo Nikkei, “Việt Nam cần đẩy mạnh hiện đại hoá hệ thống thuế, tăng cường đầu tư cho giáo dục để tăng cường nguồn nhân lực và đẩy mạnh các nỗ lực chống tham nhũng. Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), Việt Nam chỉ xếp 119. Thậm chí, Việt Nam cần phải nhanh chóng và chủ động cải thiện nền kinh tế của mình để đảm bảo mức thu nhập bình quân đầu người đạt 10.000 USD – đây là mức của các quốc gia đang phát triển, trong khi mức thu nhập bình quân ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở 6.000 USD.”

Những giải pháp hàng đầu được đặt ra phải kể đến tăng cường khu vực tư nhân và cho để họ được phép mở ra cơ hội việc làm mới ngay từ ban đầu. Điều đó sẽ giúp tăng thu thuế, tăng sự ổn định xã hội và sự linh động về kinh tế. Chính phủ cũng cần đẩy nhanh các bước mở rộng sang khu vực sở hữu nước ngoài, cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước và thắt chặt hợp tác với Nhật Bản hay các quốc gia khác để giữ vững quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Chỉ khi có được nền tảng đúng đắn thì Việt Nam mới có hy vọng giữ chân được Intel, Samsung, Unilever và các công ty đa quốc gia khác tham gia, đầu tư vào nên kinh tế Việt Nam, đồng thời hạn chế rủi ro theo chu kỳ.

Ý Nhi/Theo Nikkei


Nguồn: Theo Nhaquanly