26 janvier 2017

GDP 190 tỷ USD, mất 20 – 40 tỷ USD vì tham nhũng


Các dự án ODA trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao (ảnh minh hoạ).

 Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam ít nhất đã 3 lần rúng động vì những vụ tham nhũng ODA. Tham nhũng là kẻ thù của phát triển nhưng vẫn đang hiện diện từng ngày trong đời sống kinh tế, xã hội, gây thất thoát hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Hồi đầu năm 2015, tại một hội nghị về tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam, một thành viên cơ quan thanh tra Philippines đã công bố con số đáng phải suy nghĩ: “Các quốc gia đang phát triển thất thoát khoảng 20 – 40 tỷ USD mỗi năm do hối lộ, đút lót, tham ô và tham nhũng”.

Đáng buồn là trong số những quốc gia có nhiều khiếu nại về gian lận, tham nhũng nhất, Việt Nam bị coi là điểm nóng, chỉ đứng sau Ấn Độ. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, năm 2015, quy mô nền kinh tế hơn 90 triệu dân của chúng ta là 4,2 triệu tỷ đồng – tức hơn 190 tỷ USD.



Trong một lần trả lời phỏng vấn trên báo chí đầu năm nay, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, năm 2015, mặc dù có cải thiện nhưng tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp nhất là ở một số ngành, lĩnh vực như đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng… và xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội.

Ông Tranh đánh giá, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn được sử dụng dưới hình thức ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện.




Những vụ tham nhũng ODA gây rúng động


Thế giới coi nạn đút lót, hối lộ đang là “kẻ thù” của phát triển và quản trị hiệu quả, cần phải loại bỏ mạnh mẽ, thế nhưng, chỉ tính riêng trong vấn đề sử dụng vốn ODA thì Việt Nam đã xảy ra ít nhất 3 vụ tham nhũng ODA rúng động – chưa kể có tình trạng tham nhũng vặt, hoặc tham nhũng chưa được phát hiện.

Đầu tiên phải kể đến vụ bê bối PMU-18 hồi đầu năm 2006 đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín ngành giao thông vận tải thời bấy giờ. Vụ việc này khiến Bùi Tiến Dũng – nguyên Tổng Giám đốc PMU 18 bị tuyên án 23 năm tù giam, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình phải từ chức và nguyên Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Việt Tiến bị bắt giam, cùng với đó kéo theo hàng loạt quan chức cấp cao khác vướng vào vòng lao lý.

Chỉ hai năm sau đó, năm 2008, Nhật Bản bắt giữ lãnh đạo Công ty tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương vì hành vi hối lộ hơn 2,4 triệu USD cho nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TPHCM – Huỳnh Ngọc Sĩ.

Đến năm 2014, Nhật tiếp tục bắt giữ Chủ tịch công ty tư vấn giao thông JTC, sau khi ông này nhận tội hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam hơn 700.000 USD để đổi lấy việc trúng thầu gói tư vấn trong Dự án đường sắt đô thị nội đô thành phố Hà Nội. Nhiều lãnh đạo ngành đường sắt đã bị cách chức, khởi tố. Ông Trần Quốc Đông, nguyên Phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam bị truy tố với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trước đó, trong năm 2012, Đan Mạch cũng tuyên bố từng tạm dừng cấp vốn ODA vì phát hiện các dấu hiệu bất thường về tài chính, với số tiền hơn nửa triệu USD trong 3 dự án.

Đây là những “nốt trầm” đáng buồn đối với Việt Nam trong hoạt động nhận viện trợ ODA của các đối tác phát triển – nguồn vốn sử dụng tiền thuế mà nhân dân các nước viện trợ đóng góp.

Ngay sau sự việc Nhật Bản cảnh cáo có thể ngừng viện trợ ODA, phát biểu trước truyền thông hồi tháng 4/2015, TS Đặng Ngọc Dinh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng bình luận: “Trong một đất nước phong bì tràn lan thế này mà các dự án lớn không có gì mới là lạ”.


Liên tục bị World Bank “cấm cửa”


Tại lễ ký công hàm chiều 15/1/2016, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư – Bùi Quang Vinh cho biết, sự cố trong quá trình sử dụng, quản lý ODA giữa Việt Nam với Nhật Bản đã khiến nguồn vốn vay năm 2014 của Việt Nam chỉ trên 100 tỷ yen (850 triệu USD) – đây là mức thấp trong quá trình hợp tác giữa hai nước từ trước đến nay.
Trên chuyến tàu “Đổi mới”, muốn phát triển, Việt Nam buộc phải đấu tranh, loại trừ tham nhũng (ảnh minh hoạ).


Trước đó, sau vụ bê bối của JTC, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ông Mutsuya Mori đã chua chát nói: “Tôi tha thiết mong vụ JTC là vụ cuối cùng xảy ra với các dự án ODA của Nhật Bản. Nếu có vụ thứ ba tôi nghĩ là nhân dân Nhật Bản sẽ lên tiếng buộc Chính phủ Nhật Bản dừng ODA cho Việt Nam. Nếu có vụ thứ ba sẽ không có lối thoát”.

Tuy nhiên, dưới nhiều hình thức, tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp tục xảy ra, và lại là do các đối tác nước ngoài phát hiện!

Trong năm 2015, đã có hai doanh nghiệp bị Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố cấm cửa. Tháng 12/2015, WB tuyên bố không cho phép Công ty Đầu tư Phát triển Môi trường SFC Việt Nam tham gia đấu thầu tối thiểu 10 năm do có hành vi lừa đảo và thông đồng thuộc hai dự án: Dự án Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị tại Việt Nam và Dự án đầu tư hạ tầng ưu tiên ở thành phố Đà Nẵng do WB tài trợ.

Trước đó, vào hồi tháng 4/2015, một công ty của Mỹ cũng đã bị WB cấm cửa vì có hành vi tham nhũng trong 2 dự án, trong đó có dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở Tp Đà Nẵng.

Rõ ràng, nếu thực trạng này tiếp tục xảy ra, Việt Nam sẽ phải trả giá nhiều hơn, nhất là khi nguồn vốn ưu đãi, không hoàn lại ngày càng co hẹp lại do Việt Nam đã là một quốc gia có thu nhập trung bình.


Việt Nam phòng chống tham nhũng dễ nhất thế giới


Hiện nhu cầu vốn cho phát triển của Việt Nam ước tính tương đương khoảng 450 tỷ USD, bình quân 90 tỷ USD/năm, trong đó nguồn vốn ODA và vốn nước ngoài khác chiếm 20% – 25%. Như vậy, Việt Nam vẫn rất cần ODA.

ODA là nguồn vốn đi vay – có vay thì có trả. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, lãnh đạo địa phương vẫn chưa ý thức được đây là “khoản vay”, thậm chí là vay đắt mà vẫn coi là nguồn “vốn cho không” nên “tranh thủ đăng ký càng nhiều càng tốt”. Các tiêu cực cũng chính là phát sinh từ tâm lý “xài tiền chùa” này.

Một nghiên cứu của VCCI chỉ ra rằng, nếu giảm 1% đơn vị gánh nặng tham nhũng (tỷ lệ chi phí không chính thức trên thu nhập của doanh nghiệp), đầu tư tư nhân sẽ tăng 6,4%, số việc làm tư nhân sẽ tăng 1,8%, và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 2,3%.

Do đó, để phát triển và phát triển một cách bền vững, công bằng, việc chống tham nhũng, ngăn ngừa tham nhũng không chỉ là câu chuyện riêng ở khâu quản lý, sử dụng vốn vay ODA mà là nhiệm vụ chung của cả nền kinh tế.

Hồi tháng 11/2015, bên lề diễn đàn Quốc hội, trao đổi với PV Dân trí, đại biểu Dương Trung Quốc bình luận: “Ở Việt Nam, về lý thuyết là phòng chống tham nhũng dễ nhất thế giới, vì chúng ta chỉ có 1 Đảng lãnh đạo. Tham nhũng về thực chất là “chiếm công vi tư” – lấy của chung làm của riêng, muốn tham nhũng phải có quyền lực, do đó, cần khoanh vùng lại. Đảng ta có truyền thống kẻ thù nào cũng thắng, và nếu quyết tâm thì kẻ thù này (tham nhũng – PV) chúng ta cũng sẽ thắng. Đấu tranh đây là trận cuối cùng!”.


Bích Diệp
(Dân trí)