22 novembre 2016

"Nhốt" quyền lực vào trong "lồng", rồi sau đó?

Mạnh Quân

 (Dân trí) - Một trong những điều được đông đảo người dân, cử tri quan tâm trong tuần trước là cách thức xử lý về mặt chính quyền đối với một Bộ trưởng đã nghỉ hưu- ông Vũ Huy Hoàng. Ai cũng thấy, sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định xử lý ông này bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Công Thương thì việc xử lý về mặt chính quyền với ông này rõ ràng còn có nhiều lúng túng.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 


Đã từng là một vị Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ của một "siêu bộ" nhưng rõ ràng, quyền lực của ông Vũ Huy Hoàng đã không được giám sát tốt. Điều này đã thể hiện chỗ có nhiều nhân sự quan trọng trong bộ máy ngành Công Thương, từ một số Cục, vụ cho đến những Tập đoàn, Tổng công ty lớn do ông Vũ Huy Hoàng tác động, sắp xếp-có những vị trí được cho là được bổ nhiệm mà "có dấu hiệu tư lợi", điển hình như con ông- Vũ Quang Hải, làm Phó tổng giám đốc Sabeco đã làm cho ngành này một thời đầy bê bối.

Hay Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PV Tex do ông này trực tiếp bổ nhiệm một ngày trước khi nghỉ hưu, nay đã bỏ trốn ra nước ngoài đã khiến cho ngành Công Thương trở thành tâm điểm của dư luận trong nhiều tháng qua.

Không phải là hiện nay ở Việt Nam không có cơ chế giám sát quyền lực, nhất là với các thành viên Chính phủ. Quốc hội sau khi phê chuẩn, bổ nhiệm các Bộ trưởng, trưởng ngành vẫn có nhiều cách thức giám sát trực tiếp và gián tiếp như tổ chức các đoàn giám sát theo chuyên đề với các bộ, ngành; tổ chức chất vấn trực tiếp tại hội trường ở mỗi kỳ họp Quốc hội hoặc chất vấn ở các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc các Đại biểu Quốc hội có thể gửi chất vấn bất cứ lúc nào tới các Bộ trưởng nếu họ thấy lĩnh vực của Bộ trưởng đó có vấn đề...

Kiểm toán Nhà nước-một cơ quan có quyền lực khá mạnh và chuyên môn cao thuộc Quốc hội cũng thường xuyên kiểm toán định kỳ hoặc bất thường với báo cáo về tài chính, sử dụng ngân sách, tài sản Nhà nước tại các bộ, ngành, các cơ quan, doanh nghiệp của các bộ, ngành đó.

Ở cấp Chính phủ cũng có các hình thức giám sát với từng thành viên như Thanh tra Chính phủ vẫn thường xuyên thanh tra trách nhiệm quản lý, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở các bộ và cá nhân các vị Bộ trưởng. Các tổ chức chính trị -xã hội, đoàn thể như Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng hoàn toàn có quyền giám sát việc điều hành, quản lý của các bộ.

Với "thiên la địa võng", cơ chế, tổ chức giám sát việc thực thi, điều hành của các bộ, ngành, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành nhưng vì sao, vẫn "lọt lưới" những vị cựu Bộ trưởng đầy bê bối như Vũ Huy Hoàng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền...? Và những vi phạm của họ đều là những lúc đương chức mà cả một hệ thống, mạng lưới giám sát quyền lực đã bó tay để đến bây giờ, khi những cựu quan chức lãnh đạo ngành này đã nghỉ hưu, mới đưa họ ra xem xét, kiểm tra, xử lý cho những sai phạm xảy ra đã khá lâu rồi?

Ở đây có 2 vấn đề phải nói. Thứ nhất là tuy bộ máy Nhà nước đã có đầy đủ các cơ quan, ban bệ giám sát, kiểm tra việc thực thi quyền hạn, trách nhiệm của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành nhưng bộ máy đó đã làm không hết trách nhiệm của mình. Ở trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đã không phải không phát hiện những sai phạm trong điều hành, quản lý của ngành Công Thương, tình trạng thua lỗ, bết bát ở nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành.

Quốc hội không phải là đã không giám sát, phát hiện ra những yếu kém trong quản lý ngành Công Thương nhiệm kỳ trước. Bằng chứng là nhiều Đại biểu Quốc hội đã chất vấn, phát hiện nhiều yếu kém trong quản lý cuả ngành này như về quản lý thị trường, việc thi cử cán bộ, công chức, cấp phép nhiều quá mức các nhà máy thuỷ điện nhỏ... ngay thời điểm ông Vũ Huy Hoàng còn đương chức.

Nhưng tất cả đều chỉ dừng lại ở chỗ khuyến nghị, yêu cầu chấn chỉnh, "rút kinh nghiệm" một cách chung chung và chưa làm rõ, đến cùng những sai phạm nghiêm trọng nhất để có thể đưa ra những đề nghị, yêu cầu xem xét về mặt Đảng, chính quyền với ông này.

Thứ hai, cho đến khi phát hiện đầy đủ, có bằng chứng cụ thể về những vi phạm thì việc xử lý, kỷ luật người vi phạm dường như đã không "đến đầu, đến đũa" nên đã không đủ tác dụng răn đe, cảnh cáo với những người khác.

Cụ thể như với ông Trần Văn Truyền, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ, sau khi cơ quan kiểm tra xác định ông này có nhiều sai phạm về bổ nhiệm cán bộ, sử dụng tài sản công (nhà ở)... thì mức xử lý kỷ luật được đưa ra chỉ là "cảnh cáo".

Và đây có nhiều khả năng chính là lý do ngay sau nhiệm kỳ của ông Truyền, là ông Huỳnh Phong Tranh, cũng đã có những việc làm sai tương tự như ký bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, trong đó có nhiều người được cho là không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm vào cuối nhiệm kỳ.

Và có thể đây cũng là lý do mà ông Vũ Huy Hoàng đã không ngần ngại sắp xếp cho nhiều người thân thiết, "cánh hẩu" của mình vào những vị trí "béo bở" trong ngành Công Thương như con trai của ông, như Trịnh Xuân Thanh, như Vũ Đình Duy...

Chính vì những điều này, vừa qua, trong hoạt động tiếp xúc cử tri, một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho biết, sắp tới sẽ tăng cường cơ chế "kiểm soát quyền lực", thậm chí nhấn mạnh yêu cầu phải "nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp”.

Có thể Nhà nước sẽ có một cái "lồng" tốt hơn, "kín" hơn để "nhốt" những quyền lực, kiểm soát tốt hơn quyền lực của nhiều vị Bộ trưởng, trưởng ngành. Nhưng nếu chỉ "nhốt" thôi mà không có cơ chế, xử lý mạnh mẽ, quyết liệt hơn với những vị có hành vi vi phạm nghiêm trọng, đã được xác định rõ ràng, mà chỉ có "cảnh cáo", "khiển trách", "cách chức" với một chức vụ đã không còn tồn tại... thì e rằng những "quyền lực đen" ấy lại có dịp "thoát cũi, sổ lồng", làm những điều gây hại lớn cho nước, cho dân...

Mạnh Quân

Nguồn: Theo Dân Trí