30 mars 2016

Kẻ có Lỗi

28-3-2016
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo truyền thông của nhà nước Cộng Sản, các đối tượng sau luôn là kẻ có lỗi: Thiên tai (ông trời), người dân, các thế lực phản động và thù địch. Còn nhà nước thì chẳng liên quan gì cả, hoặc là có lỗi rất ít, không đáng kể.
Họ nói với một luận điệu chụp mũ gay gắt, lặp đi lặp lại, khiến cho các đối tượng tội nghiệp kia không kịp phân bua và vuốt mặt. Mục đích của họ là tìm ra những con Dê tế thần cho một lễ nghi man rợ. Và hình phạt cuối cùng là: Nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì kết án tù khổ sai
.Hãy tìm hiểu xem những con Dê tế thần kia là ai, và họ có tội gì?
– Thiên tai (Ông Trời): Đây là một nhân vật vô thưởng vô phạt, không ý thức được việc làm của bản thân.
– Người dân: Chủ nhân của đất nước, là đối tượng mà nhà nước phải phục vụ.
– Các thế lực phản động và thù địch: Họ là những người yêu nước, đấu tranh chống lại bất công và vì một nước Việt Nam tự do, dân chủ.
Kết tội ông trời ư? Dĩ nhiên là không được, vì đó là một nhân vật hư vô, không ý thức được trách nhiệm. Vả lại, ông Trời tồn tại vĩnh cửu, thiên thu vạn đại, chẳng ai làm gì được, người ta chỉ có thể chụp mũ và nói xấu ông mà thôi. Còn người dân thì là đối tượng có thật, hằng ngày họ làm việc để nuôi sống bộ máy nhà nước, như vậy mà cũng có tội ư? Dân nuôi sống nhà nước, lẽ ra nhà nước phải quay lại phục vụ dân chứ, tại sao lại cứ đổ tội cho họ? Như vậy thì nhà nước khác nào kẻ ăn cháo đá bát, nói xấu ân nhân của mình? Những người chống lại bất công, đấu tranh vì dân chủ nước nhà, họ đâu có lỗi? Thành ra, những đối tượng mà nhà nước đổ lỗi, họ đều vô tội cả.
Với một chế độ độc tài toàn trị, nhà nước lãnh đạo “Toàn diện” và “Tuyệt đối” lên xã hội, nhưng họ lại nói không liên quan gì, liệu có ai tin nổi không? Nhà nước sinh ra là để phục vụ người dân, để chịu trách nhiệm, nay nó không phục vụ dân, nó không chịu trách nhiệm thì phải làm sao đây?
Mình là người gây ra lỗi, nhưng lại bắt người khác phải chịu trách nhiệm, chuyện đó có chấp nhận được không?
Có câu chuyện như thế này:
“Thầy giáo bước vào lớp và bắt đầu tiết học. Vì ông ta là người hay nạt nộ học sinh, cho nên lớp học lúc này im phăng phắc, lặng ngắt như tờ.
Chợt người ta thấy hai cánh mũi ông thầy động đậy. Sau một lúc đánh hơi, ông hỏi lớn:
– Các em có ngửi thấy mùi gì không?
Lớp học rộ lên một lúc, cuối cùng tất cả đều xác định: Đó là mùi cứt.
Cái mùi thối kia mỗi lúc một bốc lên nồng nặc, khiến không thể chịu nổi. Thầy giáo tay bịt mũi, miệng nói:
– Các em tìm trong lớp, xem nó ở đâu. Sau khi dọn dẹp rồi, chúng ta sẽ học tiếp!
Cả lớp sục sạo, tìm khắp các ngõ ngách, mà vẫn không thấy bãi cứt nào hết.
Thầy giáo tức giận:
– Tất cả ngồi vào chỗ!
Rồi ông đi đi lại lại, cuối cùng kết luận:
– Như vậy chắc chắn là em nào đó dẫm phải cứt rồi tha vào lớp. Tôi sẽ lần lượt khám từng em một. Nếu mà phát hiện ra thì hãy coi chừng!…
Bắt đầu từ bàn thứ nhất, lần lượt từng học sinh giơ chân lên để thầy kiểm tra. Học trò nào cũng đều tái mét mặt vì lo lắng và sợ hãi. Kỳ lạ thay, tất cả học sinh trong lớp đều đã được kiểm tra, vậy mà vẫn không tìm thấy gì. Ấy thế mà mùi thối vẫn cứ xông lên hành hạ mọi người.
Lúc này ai nấy đều ngơ ngác mà không hiểu nổi chuyện gì xẩy ra. Chợt một em học sinh mếu máo:
– Thưa thầy! Em thấy…rồi ạ!…
Thầy giáo gắt:
– Ở đâu? Nói mau!
Học sinh chỉ vào chân thầy, ấp úng:
– Dạ! Nó ở dưới dép của thầy đó ạ!…
Thầy hốt hoảng giơ chân lên, thì ôi thôi! Một đống nhão nhoét, bèn bẹt phát ra mùi thối hoắc, ngào ngạt.”
Mình thối nhưng lại nói người khác thối. Bây giờ ai là kẻ có lỗi, hẳn mọi người đều đã biết.