14 février 2016

“Sân ai nấy đá”


Thiện Tùng

Hội nghị hay Đại hội Đảng là việc riêng của Đảng. Không phải là đảng viên mà xía vô chuyện của Đảng người ta là đá lộn sân. Sân của công chúng là Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

 

Biết rằng dưới thể chế độc tài đảng trị, nhứt cử nhứt động của Đảng CSVN đều có liên quan đến vận mệnh đất nước và dân tộc Việt nam. Chính vì vậy, người dân nói chung, đảng viên ngoại nhiệm nói riêng ít nhiều có quan tâm đến diễn biến Đại hội của Đảng đương quyền là diều dễ hiểu. Họ không phải  lo cho vận mệnh của Đảng mà lo cho vận mệnh đất nước, dân tộc nói chung, cho bản thân và gia đình mình nói riêng. Lo là quyền của mọi người còn việc riêng của Đảng không được xía vô. Sân của người ta mà mình nhào vô đá, lịch sự người ta đuổi ra, nếu không chịu ra người ta có quyền tống cổ mình vào trại giam vì cái tội “xâm phạm công việc nội bộ của của một tổ chức”?.

Đảng độc tài toàn trị mà chấp nhận kiến nghị, thư ngõ... thì nó đâu còn là nó. Có ảo tưởng không, những người không chấp nhận thể chế chính trị Độc tài, đang đấu tranh xây dựng thể chế chính trị Dân chủ mà ra mặt ủng hộ ông nầy, phê phán ông kia, chê trách bà nọ trong cái Đảng độc tài. Làm như thế khác gì Cừu chọn Sói để tôn thờ, nó sẽ thịt khi đến phiên mình - đúng là cải lương. Đã là Đại hội của Đảng Độc tài, vấn đề cần quan tâm  không phải là ai mà thể chế chính trị nào. Sao lại có hiện tượng quan tâm quá nhiều về nhân sự mà ít chú ý về văn kiện Đại hội – Ai lên cũng vậy thôi, vấn đề là xem đường lối chính trị có gì thay đổi không?

Đại hội 12 của Đảng CSVN đã kết thúc nhưng chưa thể nói là đã an bày, bởi:

-         Theo thể thức tập quyền, sau Đại hội 12, về mặt tổ chức, tuy đã định vị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành, nhưng vẫn còn hiện tượng bằng mặt chớ đâu đã bằng lòng. Không bằng lòng đồng nghĩa với bất đồng chính kiến, Bất đồng chính kiến là mầm mống đa nguyên chính trị ngay trong bản thân Đảng CSVN.

-         Khi chưa bầu cử Quốc hội, Hội đồng mới, bộ máy cũ vẫn vẫn thực quyền đến hết tháng 5/2016. Sau khi bầu cử, số cũ ai đi ai ở, số mới là những ai, ai ngồi ghế nào...  cả một hệ thống tính từ cao xuống thấp, tránh khỏi đấu đá giữa phe cánh nầy với phe cánh nọ, nhất là cánh “thua cuộc” phải chấp nhận ra đi. It nhất hết năm 2016 may ra mới ổn định được về mặt tổ chức bộ máy công quyền từ TW đến Cơ sở. Đó là chưa nói những người bị truất phế họ có chịu ngồi yển không ?.   

-         Bộ máy Đảng và Nhà nước mới trong cái cũ – bình mới rượu củ, phần lớn từ phó đôn lên, liệu họ có lèo lái nổi con thuyền Việt Nam đang  gặp cơn giông bão?! 

-         Tham nhũng lan tràn trong Đảng, hễ động là chúng chui rút trong Bình. Nếu Đảng CSVN chống tham nhũng thật sự phải tự đập Bình để bắt chuột, nếu Đảng không tự đập thì sớm muộn gì Dân cũng đập để trị loài mọt nước sâu dân. Nếu không kiên quyết chống tham nhũng thì tham nhũng sẽ phát triển cả về lượng và chất. Bởi vì: Đảng CSVN từ 3,6 triệu đảng viên, ùn một cái, Đại hội 12 công bố 4,5 triệu đảng viên .Thế là đội ngũ lãnh đạo tăng đột ngột gần 1 triệu đảng viên, nên mừng hay lo?. Tham nhũng phần lớn ở trong đảng cầm quyền, với 3,6 triệu đảng viên mà “ăn không chừa thứ gì cho dân” (lời bà Doan) thì 4,6 triệu đảng viên ăn thì chắc dân chỉ còn cái quần rách?. Đó là chưa nói sẽ không đủ ghế chia cho họ, tránh sao khỏi cãi vã tranh giành ngôi thứ?

Thôi thì “sân” của Đảng để Đảng đá, là người dân hãy về “sân” mình mà đá:

Có chi dùng nấy, dầu Hiến pháp chưa hoàn hảo, nhưng đã được Đảng cầm quyền thông qua, tại điềy 25 Hiến pháp 2013 đã ghi: công dân có quyền đề cử, ứng cửbầu cử  vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dâ các cấp”. Theo thông báo,tháng 5/2016 sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp. Là công dân, với lợi thế sân nhà, hãy tuyển những “cầu thủ” xuất sắc nhứt của mình vào đội hình thi đấu với 898 “cầu thủ” của Đảng. Không cầu toàn, đá hết mình, phải ghi bàn tối thiểu còn hơn để thua trắng, dầu sao nó sẽ góp phần làm giảm bớt nạn độc tài trong Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp, làm đà cho cuộc đấu tranh vì thể chế Dân chủ tiếp sau.

Tóm lại: Đấu tranh nhằm thay đổi thể chế Độc tài sang Dân chủ, theo quan điểm của người viết bài nầy: “Không phải ai mà thể chế chính trị nào” và “Phần sân ai nấy đá”.

12/2/2016

T. T