16 juillet 2015

Philippines tố đường 9 đoạn quyết liệt tại tòa quốc tế


Chung Hoàng

 Philippines yêu cầu Tòa án quyết định TQ có quyền hàng hải ở đâu và trong giới hạn nào ở Biển Đông; không phải phán xét bất cứ điều gì về chủ quyền lãnh thổ hoặc phân định biên giới trên biển.
 
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario



Phát biểu trước Tòa án quốc tế La Haye trong ngày đầu xét xử vụ kiện TQ của Philippines, Ngoại trưởng Albert del Rosario khẳng định việc này có ý nghĩa quan trọng đối với pháp quyền trong quan hệ quốc tế.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, ông Albert del Rosario khẳng định Philippines tôn trọng và thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo Công ước.
 
"Các quy định về giải quyết tranh chấp cho phép nước yếu thách thức nước mạnh trên một vị thế bình đẳng, tin tưởng chắc chắn rằng các nguyên tắc sẽ chiến thắng quyền lực, luật pháp sẽ chiến thắng vũ lực, người đúng sẽ chiến thắng kẻ mạnh", Ngoại trưởng Philippines nói.

"Quyền lịch sử" mơ hồ

Ông nói rõ Philippines đưa ra vụ kiện này không phải để đòi tòa án xét xử khía cạnh chủ quyền lãnh thổ trong tranh chấp với TQ.

"Chúng tôi thưa kiện để làm rõ các quyền của mình trên Biển Đông, một vấn đề mà toà án có quyền tài phán. Đây là vấn đề quan trọng nhất không chỉ đối với Philippines mà với tất cả các nước ven Biển Đông và tất cả các nước tham gia UNCLOS. Đây chính là tranh chấp mà UNCLOS phải giải quyết", ông Albert del Rosario khẳng định.

Ngoại trưởng Philippines khẳng định, đối với Philippines, các quyền hàng hải của các quốc gia ven biển - vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa, và các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong các khu vực này - được xác lập, xác định, và giới hạn bởi các điều kiện của Công ước.

Những điều khoản rõ ràng không cho phép - trong thực tế, chúng ngăn cản - các tuyên bố về quyền lợi rộng hơn, quyền chủ quyền, quyền tài phán, trên các vùng biển xa hơn những giới hạn của EEZ hay thềm lục địa.

Đặc biệt, Công ước không nhìn nhận, hoặc cho phép thực hiện, cái gọi là "quyền lịch sử" trong các khu vực vượt ra ngoài giới hạn của khu vực hàng hải được công nhận hoặc xác lập bởi UNCLOS.

Đáng buồn là, TQ bất chấp điều này, trong cả lời nói và hành động. Họ tuyên bố có quyền thực hiện các quyền chủ quyền và quyền tài phán, bao gồm quyền độc quyền đối với các nguồn tài nguyên biển và đáy biển, vượt xa các giới hạn được xác lập bởi Công ước, dựa trên cái gọi là "quyền lịch sử" đối với các khu vực này.

Cho dù các "quyền lịch sử" được viện dẫn này mở rộng các giới hạn đến khu vực mà cái gọi là "đường 9 đoạn" của TQ thiết lập nên, như tuyên bố của TQ, hay chúng bao gồm một phần lớn hơn hay hẹp của Biển Đông, thì sự thật không thể chối cãi, và cũng là yếu tố trung tâm trong tranh chấp pháp lý giữa các bên, là TQ đã tuyên bố chủ quyền của "quyền lịch sử" đối với một khu vực rộng lớn biển và đáy biển vượt xa giới hạn EEZ và thềm lục địa của họ theo Công ước.

Trên thực tế, TQ còn làm nhiều hơn là chỉ đơn giản tuyên bố các "quyền lịch sử" này. Họ đã hành động mạnh mẽ để khẳng định chúng, bằng cách khai thác các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong khu vực vượt ra ngoài giới hạn UNCLOS, cùng lúc đó dùng vũ lực ngăn các nước ven biển khác, trong đó có Philippines, khai thác tài nguyên trong cùng khu vực - kể cả các khu vực nằm trọn trong vòng 200 hải lý của bờ biển Philippines, và trong nhiều trường hợp, hàng trăm dặm cách xa bất kỳ EEZ hay thềm lục địa nào mà TQ có thể khẳng định một cách hợp lý theo Công ước.

Giới hạn nào của TQ ở Biển Đông?

Tranh chấp pháp lý giữa Philippines và TQ về việc TQ tuyên bố và thực thi các "quyền lịch sử" được viện dẫn trên là một vấn đề thuộc Công ước. Theo đó, các quyền hàng hải phải được điều chỉnh chặt chẽ bởi UNCLOS, từ đó loại trừ các tuyên bố về quyền hàng hải dựa trên các "quyền lịch sử"? Hay UNCLOS cho phép một nhà nước đòi quyền lợi dựa trên "lịch sử" hoặc các quyền khác thậm chí vượt ra ngoài những quy định của chính Công ước?

Ngoại trưởng Albert del Rosario khẳng định luật sư đại diện quốc gia này sẽ chứng minh rằng bất cứ sự công nhận nào đối với các "quyền lịch sử" này đều xung đột với bản chất của UNCLOS và các quy định rõ ràng của nó liên quan đến các quyền hàng hải của các quốc gia ven biển.

"Việc làm của TQ cũng đã và đang tạo ra sự bất an và mất ổn định đáng kể trong mối quan hệ của chúng tôi với TQ và rộng hơn là trong cả khu vực", ông Albert del Rosario lưu ý sự hiện diện của đại diện các nước VN, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Nhật Bản để quan sát tiến trình tố tụng quan trọng này.

Với vụ kiện này, Philippines yêu cầu Tòa án quyết định TQ có quyền hàng hải ở đâu và trong giới hạn nào ở Biển Đông; Philippines có quyền hàng hải ở đâu và trong giới hạn nào; các quyền này của các bên chồng lên nhau và không chồng lên nhau ở đâu và đến mức độ nào. Tòa án không phải phán xét bất cứ điều gì về chủ quyền lãnh thổ hoặc phân định biên giới trên biển.

Ông Albert del Rosario cũng nhấn mạnh các nguyên tắc tranh tụng của Philippines: đường 9 đoạn là vô giá trị theo luật quốc tế; các hoạt động cải tạo đảo gần đây của TQ không thể thay đổi tính chất của các thực thể này; TQ đã làm hư hại môi trường biển, phá hủy các rạn san hô ở Biển Đông bằng các hoạt động đánh bắt hủy diệt và nguy hiểm, cũng như thu vét các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Khẳng định rằng vụ kiện thu hút rất nhiều sự quan tâm và chú ý không chỉ bởi Philippines chống lại TQ mà còn vì tinh thần của chính UNCLOS, Ngoại trưởng Philippines kêu gọi Tòa án tôn trọng Công ước và để pháp luật thượng tôn.

Chung Hoàng
 
Nguồn: Theo Vietnamnet