21 juin 2015

CHỮ TÂM CỦA NHÀ BÁO TRONG BỐI CẢNH LỊCH SỬ HÔM NAY

NHÂN NGÀY NHÀ BÁO VIỆT NAM 21.6
Trần Văn Chánh


CHỮ TÂM CỦA NHÀ BÁO
TRONG BỐI CẢNH LỊCH SỬ HÔM NAY


Sau khi kể lể lại một cuộc bể dâu bằng hơn ba ngàn câu thơ lục bát, Nguyễn Du cũng chỉ kết luận cho kiệt tác Truyện Kiều của mình bằng một chữ “Tâm” đơn giản (Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài...). Mà thật, chữ Tâm đơn giản chỉ có nghĩa là “tấm lòng”, hơi khác với hai chữ lương tâm để chỉ ý thức đạo đức nhờ đó mà mỗi người có khả năng tự đánh giá và điều chỉnh hành vi của mình cho hợp với những quy tắc đạo đức có tính phổ biến. Trong số những nhà triết học phương Đông cổ đại, có lẽ Mạnh Tử (372 - 289 TCN) là người bàn đến chữ Tâm nhiều nhất, và theo ông cả bốn đức nhân, nghĩa, lễ, trí đều thuộc về tâm - đó là lòng trắc ẩn, lòng thẹn-ghét, lòng từ nhượng (biết từ chối và nhường nhịn), và lòng biết phân biệt phải trái; có bốn đức ấy rồi kể như có lương tâm, hiểu theo nghĩa gốc là lòng thiện của con người.


Nói về nghề làm báo, viết báo thì chữ Tâm có ý nghĩa rất quan trọng, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hướng dẫn hành vi và quyết định của nhà báo để đạt đến chân, thiện, mỹ. Trong trận bút trường văn, nhà báo cũng có một số điểm tương tự như nhà văn về phương diện tác nghiệp (ngòi bút, ngôn ngữ...), nên ngoài phần văn tài họ còn phải có văn tâm (cái tâm của văn), thiếu yếu tố sau này thì văn chương của họ dù hay ho đến đâu cũng không có hồn hướng rõ rệt, nếu không muốn nói vô ích, vì không phục vụ được cho cuộc nhân sinh ngày một thêm tốt đẹp, hài hòa.
Cái tâm của nhà báo mọi thời có thể hiểu bao gồm cả thiện tâm (lòng tốt), nhiệt tâm, công tâm, và nhất là hùng tâm (tâm chí hào hùng mạnh mẽ, muốn làm được những việc hữu ích cho đời), vì nếu thiếu hùng tâm thì nhà báo sẽ trở nên nhút nhát, cầu an, “rụt rè gà phải cáo”, không dám viết hoặc quyết định đăng những bài biết là có ích lợi cho công chúng nhưng lại sợ bị trù dập, thiệt thòi cho mình. Cái tâm của nhà báo cũng gắn liền với một số đức tính thuộc về luân lý chức nghiệp, nhờ đó mới có thái độ khách quan vô tư, can đảm bảo vệ sự thật đến cùng, không khuất phục trước uy vũ hoặc xu phụ cường quyền, hoặc thỏa hiệp và mị dân. Họ luôn yêu chuộng công bằng, dám chấp nhận lao tâm khổ trí và hi sinh, tránh được những điều trái ngược với đạo đức báo chí như khai thác những chuyện giựt gân để câu khách, phạm tội phỉ báng, mượn lý do “nghiên cứu-trao đổi”, “phản biện” dùng tư tưởng bảo thủ-giáo điều và lời lẽ xấc láo thiếu văn hóa phê bình theo kiểu vùi dập, chụp mũ chính trị đối với những người có “ý kiến khác”, hoặc xâm phạm đời tư của công dân, viết lăng nhăng tục tĩu, nói láo ăn tiền...
Cái tâm của nhà báo giúp cho họ luôn giữ được sự thăng bằng đúng mực, tôn trọng và bảo vệ con người, không vì bất cứ lý do gì mà có thể công bố những lời tố cáo không chính thức ảnh hưởng đến uy tín, đạo đức hoặc xâm phạm vào tâm tư, quyền lợi riêng của cá nhân mà không minh chứng được sở dĩ như vậy là vì lợi ích của công chúng, chứ không phải vì tính tò mò của công chúng. “Một tờ báo không thể tránh khỏi bị kết tội là thiếu trung thực nếu một khi nó bày tỏ mục tiêu đạo đức cao cả mà lại có khuyến khích đối với các hành vi thấp hèn, như có thể thấy trong việc miêu tả chi tiết các tội ác và thói trụy lạc” (“Những nguyên tắc của nghề báo”, trong quyển Bước vào nghề báo, NXB. Trẻ, 2003, tr. 359). Một nhà báo có lòng do vậy luôn cân nhắc, nghĩ tới hậu quả của những việc mình làm, như lời nhắc nhở sau đây của hai nhà báo lão luyện - Leonard Ray Teel và Ron Taylor, tác giả của quyển sách vừa dẫn : “Ngay cả bọn trộm cướp cũng có gia đình. Cố gắng đặt bạn vào vị trí của những người bạn viết đến. Hãy nhớ rằng bạn có thể đang hủy hoại một đời người, khiến cho người ta vào tù, hoặc làm cho người ta thành kho gây cười cho những người ngang hàng”. Một lời khuyên thật nhân đạo cho những người làm báo.
Chắc có người còn nhớ câu chuyện xảy ra hơn 20 năm trước, hồi tháng 5.1993, giới báo chí Pháp và cả dư luận thế giới đã bị xúc động mạnh về cái chết của Bérégovoy (1925-1993), cựu thủ tướng Pháp. Ông đã tự tử vì tờ Le Canard Enchainé (Con vịt xiềng) tố cáo ông đã mượn số tiền 1 triệu francs không trả lãi của một người bạn để mua nhà trong thời kỳ ông còn là dân biểu ở tỉnh Nièvre. Ông Bérégovoy là một người chính trực, xuất thân bình dân nên việc ông chọn cái chết trong trường hợp nêu trên đã gây nhiều xúc động khiến người ta phải đặt kỹ lại vấn đề lương tâm và trách nhiệm của báo chí, cách thức của báo chí trong việc đưa tin và phê bình chỉ trích khi đụng đến trường hợp của một số cá nhân riêng biệt. Mọi sự chỉ trích cay độc bất chấp sự nghiên cứu sâu xa về con người hiểu như một sinh vật phức tạp tế nhị, một sản phẩm tổng hòa tích hợp từ hàng trăm mối quan hệ hình thành nhân cách, có lẽ không phải là cách chọn lựa của một nhà báo chân chính, vì bất cứ lý do nào.
Ở Việt Nam, vào năm 1990, cũng có một vụ đau lòng làm nhức nhối lương tri xã hội, tương tự câu chuyện về ông Bérégovoy nhưng tình tiết hơi khác, do sự thiếu tế nhị (nếu không muốn nói thiếu lương tâm và vi phạm đạo đức nghề nghiệp) của nghề báo gây ra. Đó là vụ án bia ôm Đường Sơn Quán (Thủ Đức) dính đến người cha là sĩ quan công an bị đưa hình lên báo, khiến đứa con gái 16 tuổi phải uống thuốc độc tự tử vì không chịu nổi tình cảnh nhục nhã khi nghe bạn bè trong lớp đàm tiếu về người cha mà em vốn cho là lý tưởng của mình, còn người vợ của viên sĩ quan đó thì cũng dở điên dở khùng vì xấu hổ…
Xét về phương diện cái tâm thì tài năng, sự thăng tiến nghề nghiệp và tiền bạc kiếm được cũng chưa phải là những tiêu chuẩn chính để đánh giá một nhà báo. Cũng không phải luôn luôn ạch đụi, nghèo rớt mồng tơi mới là nhà báo tốt, nhưng đôi khi danh lợi, tham vọng thăng tiến nóng vội và thái độ bất chấp thủ đoạn trong nghề lại đồng nghĩa với tội ác, thậm chí tội sát nhân. Năm 1934, một tấn thảm kịch cũng đã xảy ra trong chính giới Pháp mà kẻ chủ động là Carbuccia, chủ nhiệm tuần báo Gringoire với sự cộng tác, câu kết đắc lực của nhà báo Henri Béraud. Anh này vì ham tiền của chủ và muốn mau được nổi tiếng nên đã nhẫn tâm đặt điều vu cáo, vu khống Salengro là một tên lính đào ngũ. Salengro là một chiến sĩ xã hội lúc đó đang giữ chức bộ trưởng Bộ Nội vụ cho chính phủ Léon Blum, đã chọn cái chết để thanh minh cho mình. Sau đó người ta được biết ông chủ nhiệm của Béraud chính là con rể của Jean Chiappe, Đô trưởng cảnh sát Ba Lê vốn là kẻ thù nghịch với nhà cách mạng xã hội Salengro. Thì ra ông chủ nhiệm muốn làm vừa lòng cha vợ, còn anh nhà báo thì vì số tiền thưởng kếch xù đã nhẫn tâm chửi mướn ăn tiền gây ra cái chết cho một nhân vật lỗi lạc của nước Pháp. Béraud sau việc làm này quả nhiên tiếng tăm nổi như cồn, nhưng một hôm anh ta nhận được bức thư với tuồng chữ quen quen của hai bạn đồng nghiệp là Pierre Scize và Louis Roubaud, trước đó bốn năm ở tỉnh Lyon là bạn học của Béraud lúc hàn vi và cả ba đã từng hẹn nhau bước vào nghề báo trong tinh thần thi đua xem ai đến đích trước. Nội dung của bức thư chỉ có mấy dòng ngắn ngủi: “Mày đúng là đứa đã đến trước nhất, nhưng không phải là nơi chúng tao mong chờ ở mày. Vĩnh biệt”. Câu chuyện này nhà báo lão thành Trần Tấn Quốc (1914 - 1987) đã có lần kể lại cho các sinh viên nghe trong một buổi nói chuyện để nhắc nhở các bạn trẻ nuôi mộng làm báo về cái tâm của một nhà báo chân chính, có ghi lại đầy đủ hơn trong quyển Trần Tấn Quốc, bốn mươi năm làm báo (của tác giả Thiện Mộc Lan, NXB Trẻ, 2000).
Nói về cái Tâm của nhà báo nhân Ngày Nhà báo Việt Nam 21.6, mà nội dung phong phú hơn nhiều liên quan đến cả vận nước và tương lai dân tộc chứ không chỉ có lòng trắc ẩn đối với một vài cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh lịch sử hôm nay, chúng tôi xin trích lại mấy lời tâm huyết sau đây của một nhà báo lão thành đã quá cố:
“... Những ai muốn bước vào nghề báo, có lẽ từ lúc vỡ lòng cho tới khi buông bút, không nên nghĩ đây là một cái nghề để cầu danh, cầu lợi, mà là phương tiện để ‘hành đạo’... Những nhà báo có uy tín thường là những người không bao giờ rời sự thật (sự thật nguyên nghĩa khoa học của nó). Họ phải trần ai lai khổ, thậm chí phải ‘bỏ mạng’ để tìm đến với sự thật và bảo vệ nó. Sự thật là hạt nhân làm nổ những trái bom thông tin nhằm giải phóng các xã hội ra khỏi sự kiềm tỏa hữu hình và vô hình, đưa con người và xã hội tiếp cận với chân lý, thức tỉnh thường trực trách nhiệm của giới hữu trách, của mỗi công dân và cộng đồng, vun đắp nhân bản, nuôi dưỡng cái thiện, chống cái ác, cái xấu, cái gian dối... Người cầm bút vượt qua bao cửa ải của quyền lực cá nhân, để tôn vinh quyền lực của cộng đồng, và để không dễ dàng bị biến thành ‘bồi bút’... Những ai quay lưng trước sự thật xin chớ bước vào nghề báo”.
Đoạn vừa trích dẫn là lời bạt của nhà báo Bến Nghé (còn có bút danh Khả Minh) đặt ở cuối cuốn sách Bước vào nghề báo đã dẫn trên, trong đó tác giả lặp đi lặp lại nhiều lần hai chữ “sự thật”, coi việc tôn trọng sự thật và nỗ lực tìm kiếm sự thật của người viết báo, làm báo như là một trong những thuộc tính căn bản nhất của nghề nghiệp. Thiếu thuộc tính này thì nghề báo sẽ không thể phân biệt được với những nghề nghiệp khác, do vậy nó cũng không thực hiện được chức năng, vai trò mà đáng lẽ nó phải có như xã hội đã phân công cho nó. Song hai chữ “sự thật” đối với người viết báo, làm báo tự thân nó cũng mang nhiều ý nghĩa phong phú, phức tạp, rất tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà các chủ thể của nghề nghiệp đang sống và làm việc. Có những sự thật thuộc thông tin đơn thuần đương nhiên cần được phản ảnh đúng, không thể làm khác, nhưng cũng có những sự thật thuộc phạm vi xử lý và bình luận các thông tin, đòi hỏi sự phân tích ở chiều sâu hơn nhằm gợi ý giúp cho độc giả thấy được tầng sâu bản chất của sự vật, cũng như nguyên nhân gốc rễ của mọi hiện tượng tiêu cực làm cho xã hội băng hoại và đẩy dân chúng vào cảnh lao đao lận đận trong vòng tăm tối không lối thoát. Điều này đòi hỏi các nhà báo vừa phải trung thực, vừa có những cách biểu hiện đầy nghệ thuật và khôn khéo. Nếu hoàn cảnh ít thuận lợi hơn, chẳng hạn như phải hoạt động trong điều kiện một chính quyền nào đó không biết tôn trọng dân chủ, hoặc chỉ tôn trọng dân chủ một cách giả hiệu, mị dân, thì ngoài tính trung thực, các nhà báo còn phải có lòng can đảm nữa. Xét cho cùng, cả hai đức tính này đối với nhà báo (tính trung thực và lòng can đảm) cũng chỉ là một, hoặc chúng có quan hệ biện chứng với nhau, không thể tách rời nhau.
Nhà báo vì thế không chỉ yêu sự thật mà còn phải ra sức bảo vệ sự thật nữa. Họ không chỉ cần sự tinh thông nghề nghiệp với lương tâm trong sáng mà còn dám mạnh dạn đề xuất sáng kiến, đặt ra những vấn đề bức xúc xã hội cần giải quyết, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ, chứ không nên chỉ thụ động chờ đợi cho đến khi có cấp thẩm quyền nào đó “bật đèn xanh” rồi cứ thế tìm cách “té nước theo mưa” cho an toàn bản thân. Đây vừa là trách nhiệm vừa là lương tâm của người cầm bút, thể hiện một cách cụ thể trong quá trình viết lách, biên tập và quyết định bài vở, trên cơ sở coi lợi ích của nhân dân là luật pháp tối thượng mà không hề khuất phục bất kỳ một thế lực nào.
Nếu tính trung thực luôn gắn liền với lòng can đảm thì lương tâm và trách nhiệm cũng thế, không thể tách rời nhau được. Cũng trong lời bạt của quyển sách nghề báo nêu trên, chúng ta còn đọc thấy lời của nhà báo-nhà văn-nhà sử học Pháp lão thành Jean Lacouture (sinh năm 1921) được trích dẫn, lấy từ bản tiếng Việt của tạp chí Người đưa tin UNESCO (tháng 9.1990, tr. 13) : “Nhà báo là một sinh vật có một lương tâm mà không một ông trùm báo chí nào, không một hệ tư tưởng thống trị nào, không một sự đồng lõa với phe đảng nào khuất phục được hoàn toàn”.
                                                                                                                                
Nguồn: Bán nguyệt san Văn Hóa Phật Giáo, số 227 (15.6.2015)