22 mai 2015

Việt Nam tiêu tùy tiện: Năm nào cũng giải ngân "khẩn cấp"


Chi tiêu tùy tiện biểu hiện sự thiếu nghiêm minh của pháp luật và tính tham lam của một bộ phận công chức 
 
 


PGS.TS Nguyễn Hồng Nga - Phó trưởng Khoa Kinh tế, Trưởng bộ môn Kinh tế học, ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG TP.HCM nêu quan điểm.

PV:-  Thưa ông, tại buổi tọa đàm góp ý kiến sửa đổi dự thảo  Luật ngân sách nhà nước, một lần nữa các chuyên gia phải thốt lên "Việt Nam tiêu tiền tùy tiện nhất thế giới". Trước đó, cũng nhiều chuyên gia đã nêu những dẫn chứng người Việt tiêu hoang hơn cả Mỹ: chi tiếp khách, hội họp.... Ông bình luận thế nào trước những ý kiến trên? Theo ông, liệu đó có phải biểu hiện của tính hiếu khách truyền thống của Việt Nam hay không? 

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: - Đúng là ở VN tiêu tiền tùy tiện hàng đầu thế giới. Không chỉ từ chiếc bánh Ngọt mang tên NSNN mà người dân cũng chi tiêu lãng phí. Nhiều cơ quan nhà nước, đến hẹn phải chạy để mà chi tiêu, chứ không sang năm bị cắt kinh phí vì “tội” không tiêu hết tiền. Vì thế, cuối năm, hàng loạt hội thảo các cấp được tiến hành “khẩn cấp” để giải ngân các khoản mục đã được duyệt chi từ NSNN. 

Người dân thì xài sang, sính hàng ngoại, chi tiêu hoang phí, không hiệu quả.

Cũng có thể nói, đây là biểu hiện một phần nào đó tính hiếu khách truyền thống của người Việt từ xa xưa, nhất là người Nam bộ.

Tuy nhiên trong thời đại công nghệ hiện nay, việc chi tiêu tùy tiện biểu hiện sự thiêu nghiêm minh của pháp luật và tính tham lam của một bộ phận cán bộ. Đây là lỗ hổng thể chế cần phải được lấp trong thời gian ngắn nhất. 
 
Ảnh minh họa
 
PV:- Xét về vấn đề chi tiêu ngân sách, sự lãng phí này có hậu quả như thế nào: lãng phí lớn nguồn thu hay tạo nên tâm lý chi tiêu tủy tiện tiền ngân sách (mà thực chất là tiền đóng thuế của người dân)? 

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: -  Sự lãng phí trong chi tiêu công gây ra nhiều hệ quả tương đối nghiêm trọng.

Thứ nhất, đây là nguồn thu từ thuế, nên cần phải sử dụng hiệu quả để người dân được hưởng lợi ích từ những đồng thuế từ thu nhập của mình. Sử dụng tùy tiện là có lỗi với người dân.

Thứ hai, thay vì tiền thuế được đầu tư hiệu quả, sự lãng phí trong chi tiêu sẽ gây ra hiệu ứng sài tiền vô tội vạ và không có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.

Thứ ba, việc lãng phí nguồn lực và không sử lý việc chi tiêu vô tội vạ sẽ làm cho quan chức nhà nước trở nên tắc trách, hành động vì lợi ích cá nhân chứ không vì mục đích cộng đồng và xã hội.

Thứ tư, sử dụng lãng phí NSNN sẽ làm cho chất lượng tăng trưởng không được bảo đảm, tiền đáng lẽ của dân phải trở lại cho người dân thì chui vào một số cá nhân có chức quyền, bổng lộc.

Thứ năm, tạo ra một lớp người giàu có không dựa trên tinh thần kinh doanh khởi nghiệp mà dựa vào tiền chùa. Điều này tác động tiêu cực đến động cơ học tập và làm việc của giới trẻ hiện nay. 

PV:- Có chuyên gia cho rằng, sự lãng phí cho tiếp khách, hội họp... như trên không đáng kể gì so với nhiều dự án ngàn tỉ đang bị bỏ hoang, chi phí làm đường cao tốc đắt hơn Mỹ, công trình hoành tráng quá cỡ, lãng phí nhiều nhất trong đầu tư công... nhưng chính sự tùy tiện trong việc dùng ngân sách là căn nguyên của những lãng phí lớn hơn nói trên. Ông có đồng tình với ý kiến đó không và vì sao?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: - Tôi chưa hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên, nếu có một tính toán sau đây. Với giả định chi tiêu cho tiếp khách, hội họp chiếm khoảng 10% NSNN, chúng ta có thể tính toán được số tiền là 130 ngàn tỷ, tương đương với hơn 6 tỷ đô la.

Nếu chi tiêu cho đầu tư phát triển chiếm khoảng 25% chi tiêu công thì số chi tiêu này vào khoảng 325 ngàn tỷ, tương ứng với khoảng 15.5 tỷ đô la. Nếu tỷ lệ thất thoát trong đầu tư công vào khoảng 40% thì số tiền lãng phí vào khoảng hơn 6 tỷ đô la. Con số này đúng bằng chi tiêu cho tiếp khách, hội họp…

Đành rằng, những công trình hoành tráng, những dự án ngàn tỷ sẽ có tác động làm tăng GDP và sẽ được đưa vào sử dụng sớm muộn, nhưng chính vì sự tùy tiện trong việc sử dụng tiền từ NSNN là căn nguyên của việc lãng phí vô tùy tiện nói trên. Đúng như các cụ nói: nghèo mà chơi sang. Chỉ số hiệu quả đầu tư công của VN rất cao, ICOR của khu vực nhà nước vào khoảng 8.
 
 
Nguồn: Theo Báo Đất Việt