27 février 2015

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh: Cầu viện quyền lực siêu nhiên vì sa sút niềm tin


 Người ta có cảm giác xã hội Việt Nam hiện nay đang bị nguyên thuỷ hoá trên cả bề mặt (quan hệ và ứng xử xã hội) lẫn bề sâu (niềm tin).


Đầu năm, hỗn chiến kinh hoàng ở lễ hội đền Gióng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) – một lễ hội diễn ra từ mùng 6 đến 8 tháng giêng âm lịch); Lễ hội chém lợn Bắc Ninh: Máu tươi đẫm sân đình. Và, dòng người rồng rắn, chen chúc lên chùa, tới miếu…
 Trước đây, hỗn loạn, bát nháo, giẫm đạp lên nhau gây thương tích cũng từng xảy ra tại lễ hội cướp phết ở Hiền Quan (Phú Thọ); tranh nhau cướp lộc và đồ lễ tại đền Trần (Nam Định); cọ tiền vào khánh đồng trên chùa Yên Tử (Quảng Ninh) cầu tài lộc, ẩu đả dẫn đến giết người trong chùa Hương Tích (Hà Tĩnh)… Nguyên nhân, bản chất của những hiện tượng trái khoáy này là gì? Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đưa ra cách lý giải trong cuộc trò chuyện vớiNgười Đô Thị.
Nhiệm vụ của đoàn tùy tùng là phải rước qua các đền, kết thúc tại đền Hạ. Tuy nhiên khi kiệu hoa tre vừa rước vào đến đền Thượng đã bị hàng chục thanh niên lao vào cướp để lấy may mắn cho cả năm. Ảnh: Chí Toàn/zing

Nhiệm vụ của đoàn tùy tùng là phải rước qua các đền, kết thúc tại đền Hạ. Tuy nhiên khi kiệu hoa tre vừa rước vào đến đền Thượng đã bị hàng chục thanh niên lao vào cướp để lấy may mắn cho cả năm. Ảnh: Chí Toàn/zing


Gậy gộc vung loạn xạ chốn lễ hội, một cụ ông bị xô rơi cả cặp kính đang đeo. Ảnh: Chí Toàn/zing
Gậy gộc vung loạn xạ chốn lễ hội, một cụ ông bị xô rơi cả cặp kính đang đeo. Ảnh: Chí Toàn/zing
Thưa ông, trong các dịp lễ hội đầu năm, chúng ta đã chứng kiến hiện tượng rải tiền, cướp lộc, đánh nhau… Theo ông, những “hành vi tín ngưỡng” ấy xuất phát từ đâu?
Tín ngưỡng là một hiện tượng văn hoá, đó là niềm tin vào những thế lực siêu nhiên được “điển chế hoá” ở tất cả các dân tộc và quốc gia. Khi hành vi tín ngưỡng trở thành thói quen của cộng đồng, nó sẽ trở thành phong tục, tập quán. Nhưng mặt khác khi nó vượt khỏi sự chế định của tri thức cộng đồng và lý trí tập thể mà trở thành mê tín trên bình diện rộng thì đó lại là chỉ báo về sự khủng hoảng xã hội nhìn từ cả ba góc độ tri thức, trí tuệ và niềm tin. Nói mê tín là niềm tin mê muội chính vì như thế. Cho nên người ta có cảm giác xã hội Việt Nam hiện nay đang bị nguyên thuỷ hoá trên cả bề mặt (quan hệ và ứng xử xã hội) lẫn bề sâu (niềm tin). Thiêng liêng gì một tờ giấy in một dấu ấn, nếu có được nó mà thăng quan phát tài thì cần gì lao động, cần gì chính sách, nếu có được nó mà khoẻ mạnh tráng kiện thì cần gì y tế, cần gì dưỡng sinh.
Sự dựa dẫm, nhân danh luôn hiển hiện trong không gian mê tín, nhưng ở đây có sự phân hoá mà ít người chú ý. Thiếu tự tin, người ta hay cầu viện quyền lực. Nhưng nhiều trong những người có chức quyền, tiền bạc đủ nuôi mấy đời con cháu vẫn cảm thấy không yên tâm nên cứ phải dựa dẫm vào các quyền lực siêu nhiên, còn đầu kia là việc cậy vào sức mạnh cơ bắp của một số người nghèo đói. Hai lối hành xử ấy có một mẫu số chung là đều dùng sức mạnh để xử lý các khó khăn trong đời sống, một là sức mạnh ảo tưởng, một là sức mạnh nguyên thuỷ. Nói thêm thì sự mê tín sức mạnh nguyên thuỷ luôn kèm thêm yếu tố bầy đàn, trong những trường hợp này bạo lực bầy đàn kích thích thú tính nên nó lại kéo người ta trở về lối ứng xử nguyên thuỷ.
Tóm lại, khi một xã hội không tạo được điều kiện để từng cá nhân có thể sống và tin một cách lành mạnh, họ sẽ tìm tới các quyền lực – sức mạnh không phù hợp với hiện trạng và xu thế phát triển của xã hội để sống hay tự khẳng định. Mê tín quyền lực siêu nhiên thì dễ chống lại sự tiến hóa lịch sử, còn mê tín sức mạnh cơ bắp thì dễ chống lại các quy phạm xã hội.
 Hàng ngàn người len nhau chật như nêm (khu vực chùa Hoa Yên) nhưng ai nấy cũng đều rất từ tốn, không chen lấn xô đẩy.  Đường đi bộ ùn tắc đến nỗi, mọi người phải mất cả tiếng đồng hồ để đi được khoảng 200m đường. Ảnh chụp lễ hội Xuân Yên Tử (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) ngày 9.2.2014. Nguồn: Một Thế Giới
Hàng ngàn người len nhau chật như nêm (khu vực chùa Hoa Yên) nhưng ai nấy cũng đều rất từ tốn, không chen lấn xô đẩy. Đường đi bộ ùn tắc đến nỗi, mọi người phải mất cả tiếng đồng hồ để đi được khoảng 200m đường. Ảnh chụp lễ hội Xuân Yên Tử (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) ngày 9.2.2014. Nguồn: Một Thế Giới
Với cách nhìn ấy, ông nghĩ gì về nhiều lễ hội hiện nay?
Nhiều năm qua nhiều lễ hội truyển thống đã được phục hồi, tuy nhiên nét đẹp văn hoá đã bị lấn át bởi nhiều nét xấu vô văn hoá nảy sinh từ hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, đó là sự thiếu hiểu biết. Nhiều người đi lễ chỉ muốn mưu cầu danh lợi, địa vị cá nhân, tiền tài nhưng không quan tâm tới vấn đề hướng thiện, nhân bản. Thí dụ ở lễ khai ấn đền Trần, rất nhiều người tới dự đã hiểu sai về ý nghĩa của lễ hội và của lá ấn, nên Đức Thánh Trần vô hình trung trở thành trưởng ban tổ chức cán bộ khuất mặt cho những người cầu danh kiêm trưởng ban cứu trợ thiên đình cho những người cầu lộc. Thảm thật! Tự nhiên là chính quyền phải chấn chỉnh, nhưng qua một tầng nấc thiếu hiểu biết tuy đúng lập trường, nhiều lễ hội lại bị hành chính hoá, mà khổ cái là hành chính hoá nửa vời.
Thứ hai, đó là việc nhiều lễ hội truyển thống bị thương mại hoá. Từ các dịch vụ đưa đón giữ xe, ăn uống, nhang đèn, thức cúng tới các món chi tiêu về khoản tâm linh. Kết hợp với việc bị hành chính hoá, không ít lễ hội bị nhóm lợi ích trục lợi, cơ quan công quyền có khi trở thành bảng hiệu cho các doanh nhân lễ hội.
Vậy theo ông nên làm gì để trả lại cho các lễ hội nét đẹp văn hóa vốn có?
Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hoá – xã hội phức hợp nảy sinh từ những điều kiện kinh tế và xã hội, chính trị và tư tưởng nhất định, phù hợp với những hệ giá trị nhất định. Nhiều lễ hội truyền thống mất đi hay nhiều lễ hội hiện đại nảy sinh là chuyện bình thường. Cho nên duy trì lễ hội chưa chắc đồng nghĩa với kế thừa truyền thống, và ngược lại, kế thừa truyền thống không nhất thiết phải tổ chức lễ hội.
Lễ hội truyền thống ở Việt Nam chủ yếu là lễ hội dân gian, có tính xã hội hoá rất cao, trong đó nổi bật là các yếu tố tự nguyện và không vụ lợi. Phía quan phương không nên can thiệp sâu, quan chức không nên lấy tư cách quan chức, trách nhiệm quan chức mà đến hẹn lại lên ở những nơi ấy. Cái gì thuộc về truyền thống xã hội, tập tục dân gian mà không phương hại đến sinh hoạt văn hoá và trật tự xã hội cứ để ngưới dân tự làm, khi họ có yêu cầu chính đáng thì chính quyền hỗ trợ, không thì thôi. Chứ lễ hội mà khúc đầu có quan chức đọc diễn văn khai mạc như mít tinh, khúc sau thì chen lấn giành giật như giựt giàn cúng cô hồn thì thứ cocktail ấy khó gọi tên lắm.
Ngoài ra nghe nói một số lễ hội lớn còn là nguồn thu khả quan cho chính quyền sở tại, những số mục ấy do ai đặt ra, có thông qua Bộ Tài chính hay chưa có khi cũng nên xem lại, nhưng nếu coi đó là nguồn thu thì khó mà ngăn chặn được khuynh hướng thương mại hoá làm méo mó nội dung và quy trình lễ hội, xuyên tạc không khí và tinh thần lễ hội.
Doãn Khởi thực hiện

——-
Những lễ hội diễn ra trong tháng Giêng
Lễ hội Gò Đống Đa (mùng 5 Tết Âm lịch)
Lễ hội Chùa Hương (mùng 6 Tết Âm lịch)
Lễ hội Cổ Loa (mùng 6 Tết Âm lịch)
Lễ hội Gióng (mùng 6 và 8 Tết Âm lịch)
Hội mở mặt tại Hải Phòng diễn ra từ ngày 6-10 tháng Giêng tại Thuỷ Nguyên, Hải Phòng
Lễ hội đền Trần (14 tháng Giêng Âm lịch)
Lễ hội Lim (13 tháng Giêng Âm lịch)
Lễ hội Yên Tử (10 tháng Giêng Âm lịch)
Lễ hội Bà chúa Kho (ngày 14 tháng Giêng tại Bắc Ninh)
Hội rước “ông” Lợn, 13 tháng Giêng (tại làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội)
Hội chùa Keo (ngày 14 tháng Giêng) huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, thờ Không Lộ, có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông, được phong làm Quốc Sư.
Hội chọi trâu Hải Lựu, 16 và 17 tháng Giêng tại huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Hội hoa Vị Khê diễn ra từ ngày 20 đến 30 tháng Giêng tại thôn Vị Khê, xã Nam Điền, Nam Trực, Nam Định.
Hội Xoan (từ 7 đến 10 tháng Giêng) diễn ra tại Làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, Phú Thọ.
Hội đền Và (Bất Bạt), mở vào ngày 15 âm lịch, thờ thần núi Tản Viên.
Hội Tây Sơn ( huyện Tây Sơn, Bình Định) diễn ra vào ngày 5.1
Hội Làng Giữa ( xã Liên Thuận, Thanh Liêm, Hà Nam) từ ngày 4.1, tưởng niệm Trương Nguyễn, một trai làng theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Có thi tài thượng võ, đấu vật.
Hội vật võ Liễu Đôi ( xã Liêm Túc, Thanh Niêm, Hà Nam)  từ 5-10.1
Hội đền Mai Động ( quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)  từ 1 đến 6.1
Hội viếng chợ Chùa ( Nam Giang, Nam Ninh, Nam Định) từ 8.1
Hội đền Phạm Ngũ Lão ( Phù ủng, Ân Thi, Hải Hưng ) từ 10 đến 15.1 tưởng niệm danh tướng Phạm Ngũ Lão thời Trần.
Hội Linh Sơn Thánh Mẫu: là hội xuân núi Bà Đen, Tây Ninh. Diễn ra trong 3 tháng xuân từ 20 Tết trở đi và chính hội là ngày 15.1. Đặc trưng của hội là du xuân, lễ bái cầu mong một năm thịnh vượng.
Hội đền Trần Quốc Bảo ( xã Tràng kênh, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng)
Hội Đền Và ( Bất Bạt, Hà Tây) từ 15.1, thờ thần núi Tản Viên Sơn Tinh đánh thắng Thuỷ Tinh.
Hội đền Cửa Suốt ( Cửa Ông, Quảng Ninh): tưởng niệm Trần Quốc Toản có công đánh đuổi giặc Nguyên. Khách hành hương trảy hội có dịp vãn cảnh Hạ Long.
Hội đền Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) từ 15.1 tưởng niệm Hai Bà Trưng có tục cúng bánh trôi, diễn tập trận, đánh cờ, chơi đu, đáo đĩa.
Hội đình Thổ Tang ( Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) từ 14 đến 23.1, tưởng niệm Hồ Lâm Hầu, người có công đánh giặc Minh. Hội có thi lợn, dưa hấu, trò vui diễn xướng dân gian.
Hội Thổ Hà ( Vân Hà, Vân Yên, Bắc Ninh) từ  20 đến 22.1
T.H