22 décembre 2014

Quan tỉnh Bình Dương cho thuê đất: Bụt trên chùa cũng phải u ư!

Nguồn: Theo Một Thế Giới Mới


Hà Văn Thịnh

Hình ảnh khu công nghiệp Mỹ Phước.

 Đọc báo, đọc xong vẫn không thể tin vào mắt mình, trong khi miệng chát đắng bởi chuyện nghĩ là không tưởng nhưng lại có thật: UBND tỉnh Bình Dương cho Tổng Công ty Đầu tư – Phát triển CN TNHH MTV Becamex thuê đất 50 năm với giá… 30 VNĐ/1m2.


Hàng trăm ha đất, mỗi ha có thể chia nhỏ thành 1.000 lô đất đủ để xây nhà (mỗi lô 100m2), cách TP.HCM chưa đầy 30km (có nghĩa là người có công việc ở Sài Gòn có thể xây nhà tại Bình Dương, đi về lo công việc dễ như chơi). Mỗi lô đất đó có giá cho thuê tính ra là tương đương với… nửa bó rau muống loại không non lắm (100m2 "phải" trả 3.000 đồng một năm, trong khi giá rau muống loại trung bình là 6.000 đồng/1 bó, loại non là 10.000 đồng).

Chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó: Mang danh Khu công nghiệp nhưng đến nay rất nhiều lô đất đã được xây cất thành nhà ở xen kẽ ngay trong vùng công nghiệp bất chấp mọi lệnh cấm, bất chấp quy chế về tác hại môi trường ô nhiễm đối với khu dân cư và, muốn sở hữu một miếng đất vàng ấy, người mua phải trả bằng tiền tỷ!

Rõ ràng, "phép thuật" của quan chức Bình Dương còn cao tay hơn cả thánh thần trong truyện cổ tích. Trên đời này, thử hỏi khắp cả thế gian này, ai có đủ khả năng biến một ‘vật’ (bất động) từ 3.000 đồng thành hàng trăm triệu đồng dễ dàng như thế? Nếu tính đủ, tính hết giá trị của hàng trăm ha đất theo quy tắc người thì vẫn đẻ mà đất thì không, kèm theo quy tắc lạm phát trung bình khoảng vài phần trăm thì chỉ mươi năm nữa, giá 3.000 đồng cho 100 m2 đất sẽ tiệm cận với số không! Số không khổng lồ tai họa đó kéo dài ít nhất nửa thế kỷ.

Mỗi lô đất đó có giá cho thuê tính ra là tương đương với… nửa bó rau muống loại không non lắm (100m2 “phải” trả 3.000 đồng một năm, trong khi giá rau muống loại trung bình là 6.000 đồng/1 bó, loại non là 10.000 đồng) Rồi, sau khi báo chí đưa thông tin, sẽ có các đoàn thanh tra làm việc, các quan chức sẽ giải thích là "ưu tiên phát triển công nghiệp", rằng "phù hợp" với định hướng phát triển địa phương, rằng các nhà dân đó thực ra là nhà của cán bộ, công nhân… Kịch bản đó đã có sẵn, có từ lâu rồi – cũng giống như cái thời mà ta đang sống đây là thời của hàng trăm ngàn cách thức ngụy biện vòng vo để, sao cho, tài sản của đất nước, chui bằng đủ mọi cách vào túi quan tham bằng con đường ngắn nhất, tốc độ nhanh nhất, lưu lượng "chảy" nhiều nhất.

Các sai phạm sẽ được “làm sáng tỏ bằng những điều không bao giờ rõ" nếu cố tình quên một phép tính thông thường: Chẳng có ai bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng trên những khu đất mênh mông mà lại không sinh lãi. Số lời lãi đó đã được K.Marx tính đủ tính đúng từ lâu rằng đất đai là phần nền, phần quyết định thứ nhất của tư liệu sản xuất, giá trị của nó sẽ tăng lên theo thời gian của sự phát triển sản xuất. Vậy mà, các quan chức ở Bình Dương không thuộc bất cứ bài học nào trong các lớp chính trị - quản lý mà ai cũng phải học liên tục, hết khóa này tới khóa khác?

Tại sao giá cả có thể trở thành mặc nhiên, bất biến sau hàng chục năm? Thử hỏi có ai cho thuê 100m2 đất để thu “món lợi” khôi hài với giá nửa bó rau muống hay không, sau khi phải đợi, phải chờ suốt cả một năm trời?

Những câu hỏi có nhiều lắm và, không chỉ là "chuyện riêng" của Bình Dương: cách đây 4 năm, ngày 3.4.2010, Vietnamnet đưa tin là UBND tỉnh Quảng Nam và Hà Tĩnh cho người Trung Quốc thuê đất rừng đầu nguồn với giá 27,5 đồng một m2 trên diện tích hàng ngàn ha(!)

Không thể chấp nhận việc các quan chức có thể ngang nhiên lộng hành coi đất – nước của giang sơn, Tổ Quốc như những thứ chỉ sinh lợi bọt bèo cho dân tộc, giống nòi để không ai biết, không ai hay về những khoản lợi khổng lồ họ chiếm đoạt cho riêng mình.

Không nhìn thấy thực tế đó thì công cuộc chống tham nhũng nói hoài cho tốn giấy mực vẫn mãi chỉ là chuyện qua cầu, gió bay…


Hà Văn Thịnh