23 juin 2014

"Trung Quốc không thể đơn độc vượt ra ngoài trật tự thế giới..."

Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, một chuyên gia thư tịch cổ Trung Quốc và là nhà nghiên cứu độc lập về Biển Đông khi trả lời phỏng vấn báo Biên Phòng về văn hóa, lịch sử Trung Quốc cũng như các hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay.
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân.
PV: Thưa nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cùng hàng trăm tàu bảo vệ vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam làm cho cộng đồng quốc tế và nhân dân cả nước quan ngại. Là hai nước láng giềng vốn có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, ông có thể giải thích vì sao Trung Quốc vẫn muốn đồng hóa văn hóa nước ta bằng các cuộc xâm chiếm lãnh thổ?

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân: Không như những quá trình lan tỏa bình thường của các nền văn hóa lớn khác trên thế giới, văn hóa Trung Hoa ngay từ khởi thủy đã bị các thế lực cai trị dùng làm phương tiện để áp chế các dân tộc có nền văn hóa khác Hán.


Các dân tộc ở bốn phía xung quanh lưu vực sông Hoàng Hà, tức địa bàn nước Trung Hoa cổ đại bị coi là kém văn minh, tập đoàn Hoa Hạ ở Trung ương gọi các nơi này là Nam Man, Đông  Di, Tây Nhung, Bắc Địch. Đồng hóa văn hóa là bước đầu của đồng hóa thể chế chính trị, là mục tiêu của các triều đại Trung Hoa trong lịch sử.

Một khi sức mạnh văn hóa không làm nổi vai trò tiên phong, các triều đại quân chủ Trung Hoa xưa đã không ngại dùng vũ lực, như trường hợp khuất phục Tây Tạng và Tân Cương... Một số thành công nhất định hoặc nhất thời trong lịch sử đã khiến các tầng lớp thống trị luôn nuôi giấc mộng họ là trung tâm thế giới.

Trong lịch sử, do điều kiện địa lý, Việt Nam không ngại tiếp nhận văn hóa Trung Hoa, nhưng ông cha ta có đủ bản lĩnh để phân biệt các loại ý đồ của lân bang. Một trí thức Nhật Bản xưa giảng Luận Ngữ và Mạnh Tử cho học trò, khi thấy học viên say mê tư tưởng thánh hiền, ông ta mới hỏi: Giả như Trung Hoa cử Khổng Tử và Mạnh Tử cầm quân sang đánh nước ta, thì phải làm sao. Thấy cả lớp học ngỡ ngàng trù trừ, ông ta bảo: "Phải cầm vũ khí đánh đuổi họ thôi". Trí thức Việt Nam xưa họ cũng đã hành động theo tinh thần tương tự như vậy.

PV: Chúng ta sở hữu rất nhiều bằng chứng về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo ông, hành động xâm chiếm lãnh thổ và chủ quyền biển đảo của Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào đến diện mạo văn hóa, lịch sử của Trung Quốc?

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân: Thế giới đã và đang hướng tới một trật tự văn minh, biểu hiện bằng sự tôn trọng pháp luật. Cho dù Trung Quốc là một trong những cái nôi của văn hóa nhân loại, có bề dày lịch sử văn hiến lâu đời, có nền kinh tế phát triển và tiềm lực quân sự hùng mạnh đến đâu thì vẫn không thể đơn độc vượt ra ngoài trật tự thế giới được.

Hành động lấn chiếm lãnh thổ, xâm phạm chủ quyền của một nước khác là dấu hiệu của sự quay ngược lịch sử, trở lại xã hội man rợ, không tuân thủ trật tự văn minh của thế giới hiện nay. Tất nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình tượng văn hóa tốt đẹp bao đời nay của đất nước và con người Trung Hoa. Chỉ nói riêng ở Việt Nam, những người dân bình thường hằng ngày tẩy chay hàng hóa, hạn chế du lịch, biểu tình phản đối Trung Quốc đang diễn ra khắp mọi nơi trong nước. Đó là thước đo để tiên đoán về tương lai văn hóa Trung Quốc trong tâm thức, trong cảm nhận của người Việt, một dân tộc vốn có truyền thống trọng thị văn hóa Trung Hoa.

PV: Trước những diễn tiến đáng quan ngại trên Biển Đông hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam, vậy theo ông, nguyên nhân nào khiến họ có những động thái như vậy?

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân: Theo cá nhân tôi, các nước trên thế giới lên tiếng ủng hộ Việt Nam vì những hình ảnh cụ thể nơi hiện trường Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, họ đã sử dụng lực lượng vũ trang để quần thảo, đâm va các phương tiện của ngư dân Việt Nam. Đây là hành động xâm lược khiến cho nhiều quốc gia, các tổ chức xã hội, những tổ chức tiến bộ, những người yêu chuộng hòa bình lên án.
 
Trung Quốc đã “đi quá đà” ở Biển Đông

Theo website của Cục Hải sự Trung Quốc, nước này tiếp tục tung giàn khoan thứ 2 có tênNam Hảisố 9 raBiển Đông. Đây là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Đầu tháng 6.2014, báo mạng Hải Dương Trung Quốc (ocean.china.com.cn) từng đưa tin Trung Quốc đang ồ ạt đóng giàn khoan, ít nhất 3 giàn khoan lớn Hải Dương - 982, 943 và 944 với tổng trị giá lên tới khoảng 1 tỉ USD. Trong đó, giàn khoan Hải Dương-982 sẽ được thiết kế là một giàn khoan nước sâu nửa chìm nửa nổi thế hệ mới, đáp ứng được mọi điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất trên Biển Đông.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu thực thi pháp luật Việt Nam.
* Ngày 19-6, Phi-líp-pin tuyên bố sẽ đề nghị Tòa án Liên hiệp quốc về Luật biển (ITLOS) xúc tiến giải quyết sớm đơn kiện của Phi-líp-pin liên quan đến yêu sách "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh trên Biển Đông trong năm 2014 hoặc đầu năm 2015. Ngoài ra, Phi-líp-pin cũng chính thức chỉ trích “Chương trình đảo hóa” của Trung Quốc ở Biển Đông, một động thái đe dọa an ninh và ổn định trong khu vực. Phía Phi-líp-pin kêu gọi tất cả các quốc gia liên quan ngưng ngay các hoạt động xây dựng để tránh làm căng thẳng leo thang.

* Trước đó, ngày 18-6, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) An-đơ Phót Ra-xmút-xen đã kêu gọi Trung Quốc với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, cần có “trách nhiệm đặc biệt” trong việc duy trì luật pháp quốc tế, quy tắc và chuẩn mực. Ông cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan trong cần cố gắng tìm kiếm các giải pháp hòa bình và “thực hiện theo đúng cam kết quốc tế của họ”.
PV