28 juin 2014

Ba nhầm tưởng của Trung Quốc khi kéo giàn khoan vào Việt Nam



Bình Lê

Cảnh sát biển của Việt Nam làm nhiệm vụ ở Biển Đông
Trung Quốc đang thực hiện đại cục chiếm hữu Biển Đông bằng những bước đi được tính toán rất kỹ lưỡng. Việc kéo giàn khoan là hành động đầu tiên hòng xác lập chủ quyền theo đường chín đoạn. Tuy nhiên, đại cục này có thể dựa trên những tính toán sai lầm về phản ứng của Việt Nam và quốc tế. 


Thứ nhất, Trung Quốc có thể tin vì bị lệ thuộc kinh tế nên Việt Nam không thể phản ứng cứng rắn, ít nhất cho đến khi “chuyện đã rồi”. Nếu thương mại và đầu tư ngưng trệ, Việt Nam không những thiếu nguồn lực để chống lại Trung Quốc mà còn phải đối phó với những bất ổn xã hội do thất nghiệp, thiếu điện và sụt giảm mức sống. Cái giá kinh tế phải trả của việc đối đầu với Trung Quốc quá lớn nên Việt Nam sẽ phải thỏa hiệp trên biển.

Thứ hai, Trung Quốc có thể tin rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ không muốn mất quan hệ với Đảng Cộng Sản Trung Quốc vì là đồng chí chia sẻ ý thức hệ. Trung Quốc tin rằng mất sự ủng hộ của Trung Quốc, Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ rơi vào thế đơn độc, thiếu cả chỗ dựa về tinh thần lẫn lý luận chính trị. Chính vì vậy, Đảng Cộng Sản Việt Nam khó hy sinh tình đồng chí anh em nên sẽ có những thỏa hiệp trên biển.

Thứ ba, Trung Quốc có thể tin rằng Việt Nam không thể có được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong việc chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. Là một thị trường khổng lồ mang lại lợi ích thương mại cho Châu Á, Châu Âu, Mỹ và Úc, các nước này sẽ không dại gì hy sinh lợi ích của mình ở Trung Quốc để ủng hộ Việt Nam. Nếu không có sự ủng hộ quốc tế, Việt Nam không thể đối đầu với Trung Quốc vì tiềm lực hạn chế của mình.

Giả thiết thứ nhất đúng ở cái giá to lớn về kinh tế Việt Nam phải trả nếu Trung Quốc cố tình phát động chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam hoàn toàn có thể chịu được vì hệ thống mạng xã hội của Việt Nam rất mạnh. Sự chia sẻ của các thành viên trong gia đình, họ hàng và bạn bè rất tốt nên có thể giúp người Việt vượt qua khó khăn. Hơn nữa, khi hiểu đây là sự đau đớn cần trả giá để hướng tới một nền kinh tế cân bằng hơn, bền vững hơn, không bị phụ thuộc vào Trung Quốc thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ.

Về toàn cục, Việt Nam hoàn toàn có thể cân bằng quan hệ kinh tế với Trung Quốc vì là thành viên của cộng đồng ASEAN và Tổ chức thương mại quốc tế (WTO). Hơn nữa, khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành hiện thực, Việt Nam có lợi thế tiếp cận các thị trường to lớn như Mỹ, Nhật và Úc. Đây là cơ sở vững chắc để Việt Nam cân bằng và thậm chí nâng cấp nền kinh tế của mình.

Giả thiết thứ hai cũng không đúng vì Đảng cộng sản Việt Nam vững bền hay không phụ thuộc vào niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chứ không phụ thuộc vào quan hệ với Đảng cộng sản Trung Quốc. Chính vì vậy, dù muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc nói chung và Đảng Cộng Sản Trung Quốc nói riêng, Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn xác định sứ mệnh của mình là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ tiên và phẩm giá của người dân Việt Nam, đây cũng chính là tâm nguyện của nhân dân Việt Nam.

Trong thời gian qua, lịch sử trước đây cũng như phản ứng mãnh liệt của người dân hiện nay trước sự xâm lược của Trung Quốc là bằng chứng rõ ràng cho thấy nhân dân mới là gốc cho sự tồn vong của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Điều này đã được khẳng định qua các tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng lấy hữu nghị viển vông” và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trích lời tiền nhân nói “không đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc”. Rõ ràng, các tuyên bố này cho thấy chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu thiêng liêng và quan trọng nhất.

Giả thuyết thứ ba của Trung Quốc có những nhầm lẫn cơ bản về vai trò của công lý và đối thoại trong quan hệ quốc tế. Sau chiến tranh thế giới lần thứ II một loạt giá trị bình đẳng, quyền con người được thể chế hóa trong các công ước quốc tế nhằm ngăn cản xu thế “cá lớn nuốt cá bé” như Hitler đã làm ở Châu Âu. Chính vì vậy, Liên hợp quốc và các siêu cường hiểu rằng nếu Luật pháp quốc tế bị vi phạm cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ trật tự thế giới bị đảo lộn và chiến tranh có thể xảy ra ở diện rộng.

Các nước đã học từ lịch sử và biết các siêu cường mới nổi, như Trung Quốc hiện nay, thường có khát vọng thay đổi luật chơi để mang lại lợi ích cho mình. Họ xem việc Trung Quốc thay đổi hiện trạng trên biển Đông bằng sức mạnh như là biểu hiện của việc “cá lớn nuốt cá bé”. Nếu đứng ngoài, luật chơi sẽ bị thay đổi, về lâu dài sẽ gây hại cho họ. Đây chính là động cơ để các nước tham gia vào giải quyết xung đột ở Biển Đông.

Chắc chắn Trung Quốc sẽ tiến hành các bước đi tiếp theo để hBìnhiện thực đường lưỡi bò, kiểm soát láng giềng và áp đặt an ninh trong khu vực. Họ tin rằng họ có tiềm lực và quyền lực của nước lớn để làm điều đó. Việc giải quyết bằng hòa bình, ngoại giao là cần thiết, nhưng Trung Quốc sẽ ngày càng lấn tới nếu Việt Nam luôn đứng trong thế “trên dây” như hiện trạng. Trung Quốc sẽ tiếp tục kéo giàn khoan mới vào Biển Đông, xây dựng các căn cứ quân sự và thực hiện các hoạt động dân sự trên Hoàng Sa và Trường Sa, kiểm soát không lưu bằng cách xác định vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, và cuối cùng tuyên bố chủ quyền và áp đặt luật chơi của họ lên vùng biển đảo và phòng không của Việt Nam.

Chính vì vậy, Việt Nam không được mơ hồ về mục đích phát triển độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ để vạch ra chiến lược thoát thế kẹt hiện tại. Một lộ trình phát triển mới cần được Đảng, nhà nước và chính phủ vạch ra càng sớm càng tốt với sự tham gia của tất cả các thành phần nhân dân trong và ngoài nước. Lộ trình cần các bước đi cụ thể, minh bạch để toàn dân tộc đồng hành. Khi đó, các tính toán sai lầm của Trung Quốc sẽ lộ rõ, và dân tộc Việt Nam một lần nữa lại trỗi dậy, chung tay gìn giữ lãnh thổ quốc gia và xây dựng một Việt Nam dân chủ, độc lập và tự do.