24 juin 2014

Ai cũng nóng lòng đẩy Trung Quốc ra tòa, chỉ có lãnh đạo đảng là không!

 Nguyễn Trung Chính
Khi được hỏi, các chuyên gia Việt Nam đều nhất trí là phải kiện Trung Quốc. Trên site của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đăng bài "Lúc này không kiện Trung Quốc là có tội với dân tộc", rồi lại "Ngăn chặn kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế là có tội với dân tộc" và cuối cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Việt Nam đã chuẩn bị sẳn sàng để kiện Trung Quốc.


Khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam, những người yêu nước kêu gọi biểu tình ngày 11 tháng 5, lời kêu gọi biểu tình ngày này được chính quyền hưởng ứng với việc huy động đảng viên tung cờ làm cho người ta nhớ đến sự kiện biểu tình cướp chính quyền mùa thu tháng tám năm 1945. Nhân dân được dịp biểu tình khắp nơi chống xâm lược Trung Quốc, vài nơi có bạo động được dùng làm cớ để đảng dẹp biểu tình yêu nước sau đó.
Trong khi Trung Quốc đã quyết tâm xâm phạm chủ quyền Việt Nam, các sự kiện trên phơi bày rõ tâm địa của của một số lãnh đạo chủ chốt đảng cầm quyền hiện nay trước hiểm họa mất biển, đảo, phụ thuộc Trung Quốc. Tâm địa của họ là vẫn bám lấy cái phao Trung Quốc để cứu đảng bằng mọi giá.

Sau việc đem cương lĩnh đảng trùm lên Hiến pháp, bây giờ rõ ràng họ đem đảng trùm lên đất nước. Xem vận mạng đảng quan trọng hơn vận mạng đất nước là một ý chí xuyên suốt từ thời Phạm Văn Đồng cho đến ngày nay, ý chí này cho phép ngờ vực, còn hơn cả ngờ vực, rằng hai cuộc chiến tranh 54-75 do đảng lãnh đạo trước hết là giành chính quyền cho đảng bằng bạo lực, thực hiện chủ nghĩa Mác-Lê là chính, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước chỉ làm một chiêu bài ngụy trang rất khéo.
Đảng đã lợi dụng  thành công lòng yêu nước của nhân dân để tạo cơ đồ riêng cho mình, chỉ cần nhìn vào cuộc sống bần hàn, xác sơ ở miến Bắc từ năm 54 đến 75 và sự mất tự do, mất đất, bị buộc yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa từ 75 đến nay cũng thấy rằng thực tế dân đã mất trắng hết và đảng đã được hết. Thế mới hiểu tại sao họ sẳn sàng nhượng đất nhượng biển cho Trung Quốc để giữ cho bằng được đảng Mác-Lê của họ.

Trong 4 vị lãnh đạo chủ chốt, Tổng bí thư là một nhân vật thân Trung Quốc thì đã rõ. Tập cận Bình khinh bỉ ra mặt Tổng bí thư trong việc từ chối đường dây nóng, phá bỏ cam kết "cấp cao" giữa lãnh đạo hai nước cũng đã rõ. Tổng bí thư lãnh đạo một đảng lại luôn khinh bỉ đảng viên và nhân dân bằng cách che giấu mọi việc, cấm đảng viên đi biểu tình nếu không được phép, đánh lạc hướng sự căm phẫn của đảng viên trước Trung Quốc xâm lược bằng những tiểu xảo như trong lúc này buộc đảng viên phải viết cam kết học tập Hồ Chí Minh, ... điều này cũng đã rõ rồi, không che mắt ai được.

Bị áp lực dư luận buộc phải có thái độ rõ ràng, Chủ tịch nước gọi TTXVN đến phỏng vấn mình. Qua trả lời phỏng vấn, Chủ tịch nước chỉ tuyên bố giống hệt những gì mà trước đây người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lương Thanh nghị lập đi lập lại đến nhàm tai mà chẳng ngăn được Trung Quốc lấn tới.
Chủ tịch nhân sự phỏng vấn này kêu gọi nhân dân "Cần phải cảnh giác với những lời nói và việc làm mang tính kích động, nhân danh lòng yêu nước"  và lúc này là lúc "càng phải đoàn kết". Cũng như trước kia mập mờ khi tố cáo bọn "cõng rắn cắn gà nhà", Chủ tịch không có can đảm cho toàn dân biết ai có những lời nói kích động và ai không chịu đoàn kết.
Cần nói lại cho rõ: đoàn kết chỉ có giữa những người quyết tâm bảo vệ biển đảo. Không thể đoàn kết giữa một bên xem sự sống còn của đảng là chính và bên kia xem lợi ích dân tộc là chính.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những tuyên bố hợp lòng dân, ít nhất cũng đã tuyên bố được như thế. Tuy nhiên có một hiện tượng là những bài viết hưởng ứng tuyên bố của Thủ tướng, đồng thời đòi Thủ tướng thực hiện, được đăng trên Site Thủ tướng thì đều bị "chỉnh sửa nội dung cho phù hợp" để đẩy đòi hỏi thực hiện sang phía Bộ Chính Trị.
Cụ thể biện pháp kiện Trung Quốc là biện pháp đấu tranh rất hòa bình được Thủ tướng tuyên bố đã sẵn sàng đến nay vẫn bị cù cưa, như gà nuốt phải dây cao su, vẫn nằm trong ngăn kéo. Thủ tướng đã dám tuyên bố nhưng lại đẩy quyết định kiện sang Bộ Chính Trị dù biết rằng Bộ Chính Trị sẽ không bao giờ chấp nhận kiện Trung Quốc vì sợ phá vỡ 4 tốt 16 chữ vàng với đồng chí Trung Quốc. Và đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân buộc Việt Nam phải cúi đầu trước Trung Quốc.  Trước luật Quốc tế thì Chính phủ kiện hay Bộ chính trị kiện thưa ông Thủ tướng?
Rất nhiều ý kiến cho rằng trước muốn "thoát Hán" thì điều kiện cần là phải "thoát đảng" quả thật không sai dù làm đau lòng đảng viên.

Khi khẳng định phần biển 12 hải lý Trung quốc đã tuyên bố rất rõ:  “Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính từ các đường căn bản này là hải phận của Trung Quốc.” và "Các đảo lớn nhỏ, đá ngầm, ghềnh rải rác trong vùng biển Nam Hải được gọi chung là các đảo biển Nam Hải, là Quần đảo ở cực nam Trung Quốc, bởi vị trí khác nhau được gọi riêng là Quần đảo Đông Sa, Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Trung Sa và Quần đảo Nam Sa." Vì thế khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhân danh Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gửi thư ghi nhận và tán thành tuyên bố đó thì không thể nào Thủ tướng Phạm Văn Đồng không biết các "đảo ngoại biên ngoài khơi" có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhất là khi đó Chủ tịch anh minh sáng suốt đạo đức Hồ Chí Minh đang lãnh đạo đất nước.

Theo Hiến pháp 1946, Chính phủ Phạm Văn Đồng chỉ là "Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà." (Điều thứ 43) và chỉ được quyền "Thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện." (Điều thứ 52). Lá thư của Phạm Văn Đồng dính đến vấn đề lãnh thổ không được Nghị viện (Quốc hội) lúc đó biểu quyết nên không thể xem làm hợp hiến được. Vậy Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã lạm quyền quá rõ ràng: Xem tình đồng chí trên quyền lợi dân tộc khi gửi lá thư này cho Trung Quốc. Chỉ cần đem ra Tòa án mà hủy bỏ nó đi.
Lại nữa, Hiến Pháp 2013 quy định ở điều 14 về Quốc hội: "Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội;" thì Quốc hội hiện nay có quyền phủ nhận lá thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Nếu Quốc hội phủ nhận lá thư Phạm Văn Đồng có nghĩa  là chúng ta khẳng định rõ ràng với nhau quyết tâm không vì tình đồng chí mà dâng bất cứ cái gì của tổ tiên cho Trung Quốc, khẳng định với nhau là thời đại nào, đất nước nào cũng có bọn "cõng rắn cắn gà nhà" mà chúng ta không chấp nhận những kẻ đó nhân danh chúng ta. Đó là tiền để để đoàn kết chứ không thể nói đoàn kết chung chung như Chủ tịch Trương Tấn Sang luôn nói.

Vấn đề trở lại là chúng ta có quyết tâm bảo vệ biển đảo hay không? hay lại cứ "kiên trì giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng đất nước" như đường lối của đảng qua phát ngôn của Chủ tịch nước bằng bất cứ giá nào kể cả để  biển  đảo cho Trung Quốc gậm nhấm dần dần.
Chủ tịch nước đừng có cho bài học đạo đức rẻ tiền. Ai cũng muốn hoà bình nhưng hòa bình để mất nước thì quyết không.
"Quyết chiến" của Hội nghị Diên Hồng, lời kêu gọi "toàn quốc kháng chiến", lời nói của chị nông dân Út Tịch "còn cái lai quần cũng đánh" không phải là những "lời nói mang tính kích động, nhân danh lòng yêu nước" mà đó là những bài học về quyết tâm giữ nước của dân tộc.

Chúng ta đấu tranh khôn khéo trước bá quyền Trung Quốc không có nghĩa là cho chúng nó thấy chúng ta sợ chiến tranh. Vì chúng nó đã thấy lãnh đạo Việt Nam sợ chiến tranh, chỉ muốn dựa vào Trung Quốc để bảo vệ cái ghế, nên chúng nó chỉ cần mở bạt che súng trên tàu hải quân là đủ, chúng sử dụng những biện pháp không có tiếng nổ cũng đã đủ để bảo vệ giàn khoan HD-981 xâm lược từ xa, chúng nó khinh bỉ ra mặt bằng cách không cho xử dụng đường dây nóng, không tiếp lãnh đạo cao cấp của chúng ta để nói chuyện, chúng còn cho Dương Khiết Trì qua Việt Nam như đi vào chỗ không người.

Nếu đảng đã đánh mất khả năng bảo vệ đất nước thì "thoát Hán" chỉ sẽ được thực hiện nếu "thoát đảng" được, chúng ta không sợ đàn áp để nói thẳng với lãnh đạo rằng :  chỉ vì tham cái ghế đẻ ra tiền mà các vị đang đi ngược với dân, với tiền nhân.
Dân chúng tôi đã sáng mắt rồi, nhưng chúng tôi không có quyền chọn lãnh đạo. Bao giờ đến lượt đảng viên sáng mắt để đấu tranh đòi thay đổi lãnh đạo?




24/06/2014