25 mai 2014

Việt Nam đối mặt với việc “Phần Lan hóa” từ Trung Quốc

 

Theo Ba sàm
Tác giả: David Brown
Người dịch: Huỳnh Phan
Một ASEAN rụt rè làm mọi thứ tồi tệ hơn
Vài tuần qua, Trung Quốc đã hết sức thoả mãn trước cảnh xáo trộn của những ai muốn kiềm chế tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc trong vùng biển từ đảo Hải Nam trải dài về phía nam. Việc họ triển khai giàn khoan dầu biển sâu Hải Dương 981 vào vùng biển tranh chấp ngoài khơi bờ biển Việt Nam là khôn ngoan về chiến thuật.

Đúng vậy, Bắc Kinh thường bị lên án như một kẻ xâm lược. Làm thế nào có thể triển khai giàn khoan mà không bị coi như thế, như phát ngôn viên Mỹ nói, là ” khiêu khích,… một phần của cách hành xử rộng lớn hơn của Trung Quốc để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền của họ đối với lãnh thổ tranh chấp theo cách làm suy yếu hòa bình và ổn định”.
Câu hỏi đặt ra là có thể làm điều gì, nếu được, về điều đó.
Bị bất ngờ, Việt Nam đã xoay xở để tránh bị lôi kéo vào một cuộc chiến nóng, nhưng đó là thành công duy nhất của họ. Trong khi nhân viên dầu mỏ Trung Quốc khoan giếng, được hơn một trăm tàu hải quân và bán quân sự canh phòng, những người yêu nước Việt Nam đang thu mình cãi vã vặt vãnh với nhau, đánh đập đốc công nhà máy Trung Quốc và vô vọng nhìn phía chân trời dò tìm sự xuất hiện của tàu chiến Mỹ.
Hạm đội 7 không đến. Không giống như chính quyền Bush con, chính quyền Obama thận trọng trong việc vướng víu vào chuyện ở ngoài nước, và lập trường đó rất có lý. Chẳng còn nhóm nào trong nước ưa thích ra tay để tranh cãi với kẻ xấu ở xa. Công chúng Mỹ không chỉ thất vọng bởi bước đột phá sai lầm ở Iraq và cuộc xung đột dường như vô tận ở Afghanistan mà họ còn bị cuộc suy thoái đau đớn nện vào và quá trình phục hồi cho đến nay chỉ ra làm cho những kẻ vốn được lợi mà thôi. Hiểu được tâm trạng của công chúng, Obama từ chối dính dáng vào Syria, hay Ukraina nữa, và cũng chưa có chuyện gì có thể thúc đẩy người Mỹ can thiệp vào sự tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, mặc dù Việt Nam vẫn nằm trong tiềm thức người Mỹ.
Bàn luận ở đây với các giả định, đã có thể có hai điều lôi kéo người Mỹ can dự vào.
Thứ nhất, nếu 10 thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) cùng nhau bác bỏ khẳng định hầu như không có căn cứ của Trung Quốc về chủ quyền trên các vùng biển trải dài về phía nam của Hồng Kông và đảo Hải Nam, Mỹ có thể đã có một chỗ bám để đưa ra một cam kết cụ thể đối với an ninh khu vực.
Thứ hai, nếu có thể nắm được là Hà Nội đang hướng tới một hệ thống chính trị cởi mở trong đó mọi công dân đều được hưởng các quyền cơ bản của con người, thì Obama có thể đã đưa ra đủ lý do giúp Việt Nam trực tiếp, tức là điều phải làm để hàn gắn các vết thương từ nửa thế kỷ qua.
Những điều nói trên đã không xảy ra. Như vậy, trong khi Washington dường như đã sẵn sàng để vẽ một lằn ranh xung quanh Nhật Bản, Hàn Quốc và cũng có thể Singapore và eo biển Malacca, Hải quân Hoa Kỳ lại đang giữ một khoảng cách khá xa đối với cuộc đối đầu gần bờ biển Việt Nam.
Có thể cho rằng, Mỹ đang dự định chấp nhận nhìn Việt Nam bị “Phần Lan hoá” (*).
Có lẽ có những thứ tồi tệ hơn. Phần Lan hoá là một thuật ngữ, nẩy sinh trong những năm đầu thời chiến tranh lạnh, thừa nhận rằng sự gần gũi của các nước nhỏ với các cường quốc đặt ra những hạn chế về chủ quyền của họ. Những người có trí nhớ dai sẽ nhớ lại rằng, bằng cách cam đoan không liên kết chống lại Liên Xô, Phần Lan thoát khỏi tình trạng nô lệ áp bức giáng lên các nước vệ tinh Đông Âu.
Thật ra, “Phần Lan hoá” tổng kết khá tốt tư thế mà cánh bảo thủ và ý thức hệ của Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam đã kiên trì cổ vũ cho Việt Nam. Liệu đó có là một chính sách được việc hay không, vẫn còn tranh luận. Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, chỉ là những bước gần đây và kịch tính nhất nhằm việc khẳng định quyền thống trị của họ, cho thấy (như tôi đã lập luận trong Asia Sentinel ngày 7 tháng 5) rằng những nỗ lực của cánh bảo thủ để chiếm được lòng tin của Bắc Kinh đã thất bại hoàn toàn. Tuy nhiên, từ cuộc khủng hoảng hiện nay, phe bảo thủ có thể kết luận rằng nỗ lực chân thành của họ trong việc tạo ra sự hài hòa đã bị một liên minh trí thức ngoài Đảng và phe cởi mở trong Đảng huỷ hoại.
Tuy nhiên, trò chơi chưa kết thúc. Đến tháng 8, đầu mùa mưa bão, tàu Trung Quốc sẽ kéo Hải Dương 981 về chỗ mà nó ra đi. Trong giai đoạn nghỉ ngơi này, có thể Việt Nam và các nước láng giềng sẽ hình thành nên một tư thế để đối phó với sự xâm lược tiếp theo của Trung Quốc.
Hà Nội đã đầu tư rất nhiều vốn liếng chính trị vào ASEAN, coi nó như một bức tường thành chống lại việc Bắc Kinh tìm kiếm quyền bá chủ ở biển Đông. Điều rối rắm là, ASEAN không phải là một thực thể an ninh tập thể, và với tư cách một tổ chức, nó gần như điếc trước những lời kêu gọi của Việt Nam và Philippines, yêu cầu ủng hộ chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc. Mỗi một nước trong số 8 thành viên còn lại của ASEAN ít nhiều đã xem cuộc tranh cãi của Việt Nam với Trung Quốc ở phía bắc biển Đông chẳng phải vấn đề của họ. Thay vì làm mất lòng Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan chủ yếu đã nỗ lực để ngăn chặn một vị thế vững mạnh của ASEAN về quản lý tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
Nếu không có sự đồng thuận 10 nước, sao lại không tìm sự đồng thuận của 6 thành viên? Tại sao những thành viên ASEAN có lợi ích trực tiếp trong việc khai thác biển Đông và các nguồn tài nguyên dưới đáy biển của mình một cách hợp lý và hài hòa, lại phải tiếp tục trì hoãn vì có thành viên không cảm nhận được mối đe dọa từ Trung Quốc? Từ bên lề hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN, tổ chức ở Napyidaw (Myanmar), chỉ ngay sau khi Trung Quốc triển khai giàn khoan 981, có vài bài báo nêu rằng, tiếng ồn ào ngoài khơi bờ biển Việt Nam đã là một tiếng gọi đánh thức cho Malaysia, Indonesia và Singapore. Cùng với Brunei, Philippines và Việt Nam, phải cân nhắc khả năng sắp xảy ra Hoà bình kiểu Trung Quốc (Pax Sinica) trong vùng biển gần đó, là một chuyện mà không ai có thể đồng tình.
Liệu Trung Quốc sẽ nao núng nếu 6 nước ven biển Đông kiên quyết theo đuổi cách giải quyết dựa trên Luật Biển của Liên Hợp Quốc, nhằm giải quyết các yêu sách mâu thuẫn nhau ở phần phía Nam của biển Đông, hay chỉ việc điểm mặt Trung Quốc là kẻ xâm lược? Có lẽ không nao núng, nếu đó là tất cả, nhưng Bắc Kinh chắc chắn sẽ rất tức giận. Khi gặm nhấm về phía nam, Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng họ sẽ chỉ thảo luận các yêu sách đối đầu ở biển Đông tay đôi. Tuần này họ đã cảnh báo Việt Nam và Philippines phải từ bỏ việc hình thành quan hệ “đối tác chiến lược”.
Và các nước có quyền lợi trong việc duy trì trật tự quốc tế, đặc biệt là Mỹ thì thế nào? Khi nào họ sẽ từ bỏ cố gắng xử sự với Bắc Kinh như thể đó là chính phủ của một nước bình thường và là một đối tác tiềm năng? Khi nào họ sẽ nhận ra rằng Trung Quốc đang cố tự thuyết phục rằng mình là nạn nhân, là một nước đã bị ngăn chặn địa vị xứng đáng. Vì thế nên chế độ Bắc Kinh nhầm tưởng Trung Quốc có quyền bác bỏ những nguyên tắc cơ bản họ xem không lợi cho mình.
Ở biển Đông, lực lượng huỷ diệt (juggernaut) Trung Quốc đang triển khai. Nó vẫn có thể bị dừng lại ở quần đảo Hoàng Sa, nhưng chỉ khi các mục tiêu của Trung Quốc và bạn bè của họ kiên quyết đẩy lùi một cách mạnh bạo ở toà án quốc tế, ở tòa án công luận, và đến khi cần thiết thì cũng ở ngoài biển cả.
——
(*) Phần Lan hóa: là cụm từ mang ý nghĩa: một nước lớn chi phối chính sách của một nước nhỏ, khi nước lớn ở cạnh nước nhỏ. Như Liên Xô chi phối chính sách của Phần Lan thời kỳ chiến tranh lạnh, mặc dù trên danh nghĩa, Phần Lan là quốc gia độc lập.